Ảnh: Kinh tế đô thị.

 
Thùy Dương Thứ Năm | 14/02/2019 10:46

VPB: Tăng trưởng nhưng chưa xứng kỳ vọng

Nhìn chung 2018 là một năm nhiều biến động đối với VPB, dù vậy ngân hàng cũng đã kết thúc quý IV.2018 với mức tăng trưởng 23,4% so với cùng kì.

Theo Báo cáo Tài chính Quý IV.2018 (chưa kiểm toán) của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) thì riêng quý 4 ngân hàng này đạt 3.073 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế, VPB cán mốc 9.200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 13,14% so với năm 2017, con số này có phần khiêm tốn so với các ngân hàng thương mại (NHTM) cùng phân khúc khác (MBB tăng 31%, TCB tăng 32.66%, ACB tăng 141%) và cũng mới đạt 85,2% kế hoạch đặt ra (10.800 tỉ đồng cho năm 2018).

Nhìn chung năm qua là một năm nhiều biến động đối với VPB với thị giá cp có lúc chạm mức cao nhất là 42.800 đồng/cp và có lúc đạt mức thấp nhất chỉ đạt 19.000 đồng/cp. Số liệu quý IV chưa kiểm toán cho thấy một số cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận cũng như chất lượng tài sản nhưng chưa thật sự thuyết phục. Giới phân tích cho rằng VPB cần đi xa hơn nữa trong công tác giải quyết nợ xấu để hạ tỷ lệ này về dưới 3%, góp phần hạ chi phí dự phòng rủi ro và tạo dư địa cho lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

VPB: Tang truong nhung chua xung ky vong
Diễn biến giá cổ phiếu VPB 1 năm qua. Nguồn: VNDirect.

Tỷ lệ nợ xấu hiện tại của VPB là 3,51%, tăng nhẹ so với cuối năm 2017 ở mức 3,39% nhưng đã có mức cải thiện rất đáng kể so với mốc 4,7% tại thời điểm cuối quý III.2018. Tổng nợ quá hạn (bao gồm cả dư nợ Nhóm 2) cũng giảm đáng kể từ mốc 10,94% ở thời điểm cuối quý 3 xuống còn 8,78% tại thời điểm cuối năm 2018.

Huy động từ tiền gửi không kỳ hạn nhìn chung vẫn chưa phải là lợi thế cạnh tranh của VPB khi tỷ lệ CASA của ngân hàng này giảm nhẹ trong năm 2018 từ mức 14,7% xuống còn 13,2%. Đây có thể nói chưa phải là kết quả tốt của YOLO (ứng dụng ngân hàng số VPB) trong cuộc đua tranh giành thị phần ở bối cảnh các công ty fintech đang gia nhập và phát triển mạnh mẽ vào thị trường thanh toán điện tử như ZaloPay, Momo, Moca… và các ngân hàng khác cũng đang ‘xắn tay áo’ phát triển các ứng dụng số cho cuộc đua trong kỷ nguyên 4.0.

VPB: Tang truong nhung chua xung ky vong

Về tình hình kết quả hoạt động kinh doanh, nhìn chung cơ cấu thu nhập của VPB vẫn chưa đa dạng với 80% tổng thu nhập hoạt động vẫn đến từ thu nhập lãi và 20% còn lại đến từ các nguồn thu ngoài lãi, dù con số đã cải thiện nếu so với tỉ lệ 90%-10% trong năm 2016. Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018, có khoảng 3.200 tỉ đồng trong các thu nhập khác là do hoàn nhập dự phòng rủi ro đã trích lập từ việc thu hồi được nợ xấu. Đây là điểm khá tích cực góp phần tăng lợi nhuận trong năm 2018 của ngân hàng này nhưng cũng là điểm mấu chốt cần hết sức chú ý vì khoảng 35% số dự nợ của VPB là cho vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo) nên một khi một trong các khoản nợ này chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ rất cao, bằng chứng là chi phí dự phòng rủi ro (DPRR) tăng hơn 40% (từ 8.000 tỉ đồng lên 11.250 tỉ đồng) trong kỳ báo cáo năm 2018.

Nhìn chung, câu chuyện quyết định ‘thành bại’ của VPB trong năm 2019 vẫn sẽ là đẩy mạnh nguồn thu từ các hoạt động tín dụng từ tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và giảm nợ xấu và triệt để thu hồi nợ để giảm áp lực chi phí lớn nhất đến từ dự phòng rủi ro tín dụng. Một quý cải thiện về tình hình nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận có thể vẫn còn quá sớm để kết luận liệu VPB đã quay trở lại quỹ đạo tăng tốc hay không? Một chuyên gia phân tích nhận định xu hướng tích cực này của VPB cần được tiếp tục duy trì ít nhất cho đến hết Quý I hoặc giữa năm 2019.