Thứ Sáu | 13/09/2013 20:36

VP Bank lần đầu tiên được Moody's xếp hạng tín nhiệm

Xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng ở mức B3 và ngắn hạn ở mức “Đầu tư không tốt” (Not-Prime).
Ngoài ra, Moody’s còn đánh giá xếp hạng sức mạnh tài chính ngân hàng (BFSR) của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) ở mức “E” và đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) ở mức caa1, mức độ hỗ trợ của chính phủ đối với ngân hàng là B2 và ổn định. Triển vọng mà Moody’s dành cho tất cả các mức xếp hạng của VP Bank là “ổn định”.

Theo đánh giá của Moody’s, xếp hạng BCA của VP Bank đáng chú ý nhờ hoạt động kinh doanh tập trung vào phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến hạn chế rủi ro tín dụng. Đánh giá BCA cũng cho thấy nhu cầu nguồn vốn từ bên ngoài cũng như sự ràng buộc với các ngân hàng nội khác, các rủi ro về chất lượng tài sản hay sự hỗ trợ còn hạn chế đối với VP Bank.

VP Bank có thể được nâng xếp hạng BCA nếu được bơm vốn đáng kể để hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh trong vòng 18-24 tháng tới. Ngược lại, VP Bank có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm nợ và tiền gửi nếu có dấu hiệu cho thấy không có sự hỗ trợ kịp thời của hệ thống để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng.

Được thành lập năm 1993, VP Bank chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và bán lẻ. Tổng tài sản của ngân hàng này hiện là 103 nghìn tỷ đồng, và được đánh giá là ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung ở Việt Nam. VP Bank có chi nhánh trên toàn quốc nhưng tập trung nhiều ở miền Bắc.

Cơ sở tiền gửi của VP Bank tăng mạnh, khoảng hơn 100% giai đoạn 2011-2012, và 29% từ đầu năm đến nay. Điều này chủ yếu nhờ sự chuyển dịch của thị trường từ đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản sang tiền gửi cũng như nhờ chiến lược mở rộng kinh doanh của ngân hàng.

Cũng giống như các ngân hàng khác ở Việt Nam, VP Bank đang phải đối mặt với vấn đề về chất lượng tài sản. Nợ không hoạt động của VP Bank tính đến cuối 2012 là 2,7%.

Nguồn Moody's/Dân Việt


Sự kiện