Trong khi nhiều hộ trồng cà phê chưa kịp mừng thì so với mức đỉnh vào cuối tháng 4, giá cà phê nội địa đầu tháng 5 đã giảm đến hơn 35.000 đồng/kg. Ảnh: TL.

 
Kim Dung Thứ Ba | 14/05/2024 14:30

Vòng xoáy giá cà phê

Trước khi sụt giảm mạnh do tồn kho tăng trở lại vào đầu tháng 5, giá cà phê trong nước và thế giới đã liên tục “leo thang” với tốc độ nhanh.

Giá cà phê nhân trong nước đã vượt mốc 133.000 đồng/kg trong tháng 4/2024, thiết lập kỷ lục về giá đối với mặt hàng này. Các nước sản xuất cà phê lớn như Brazil đối mặt với thách thức từ thời tiết khắc nghiệt, sự gia tăng của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, trong khi ở Việt Nam, tình trạng nắng nóng và sâu rệp cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tăng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng giá cà phê. Trong vài năm qua, nhu cầu tiêu thụ đã tăng mạnh, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ. 

Buồn vui lên giá 

Sự tăng giá đột ngột của cà phê đã gây ra làn sóng trái chiều trong cộng đồng, khi người dân vừa mừng vừa lo về tình hình sản xuất và tài chính của họ. Giá cà phê tăng cao có thể mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân nhưng cũng khiến chi phí sản xuất như phân bón, các loại thuốc trừ sâu và tiền công tăng cao. Cùng với đó, giá của các mặt hàng thiết yếu tăng đáng kể theo giá cà phê tại một số vùng ở Tây Nguyên, đẩy cao chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình.

Trong khi đó, những đại lý đã “bán khống” lượng cà phê mà người dân ký gửi với kỳ vọng rằng giá sẽ giảm hoặc ổn định đã nhanh chóng gặp phải áp lực tài chính khi giá cà phê tăng cao. Họ đang rơi vào tình cảnh nợ nần ngày càng gia tăng, khi không thể mua lại cà phê thấp hơn so với giá hiện tại.

 

Theo tìm hiểu của NCĐT, nhiều đại lý ở các tỉnh Đắk Nông hay Lâm Đồng đã lâm vào tình trạng mất thanh khoản do bán khống cà phê. Theo đó, nhiều hộ gia đình ở đây đang đối mặt với nguy cơ mất trắng do thói quen ký gửi hàng hóa tại các đại lý.
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam lên đến 726.000 tấn và kim ngạch 2,5 tỉ USD, lượng chỉ tăng 1% nhưng giá trị tăng đến 40%. Hiện tại, lượng cà phê tồn kho của Việt Nam không còn nhiều, ước khoảng 300.000 tấn và còn đến khoảng 5 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch niên vụ 2024-2025. Nguồn cung cà phê của Việt Nam ra thị trường vẫn rất hạn chế.

Trong bối cảnh giá cà phê biến động mạnh, doanh nghiệp trong lĩnh vực cà phê cũng chịu tác động đáng kể. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi đã có một mùa bội thu nhờ giá cà phê tăng mạnh. Quý I/2024 công ty này lãi sau thuế hơn 10 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Do giá cà phê trong nước tăng đột biến, Công ty tập trung thu mua cà phê trước, bán sau và tăng cường sản xuất dẫn đến khối lượng hàng xuất khẩu tăng, cùng với chi phí hoạt động giảm đã giúp tình hình kinh doanh của Công ty đạt kết quả cao.

Công ty Cổ phần Cà phê Phước An cũng giảm lỗ đáng kể trong quý I/2024 nhờ sự sụt giảm các chi phí trong kỳ như giá vốn hàng bán, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp. Ở trường hợp khác, Vinacafé Biên Hòa ghi nhận mức tăng trưởng hơn 21,5% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ trong quý I/2024 nhờ tăng trưởng doanh số trong kỳ và doanh thu từ hoạt động tài chính. Đại diện Vinacafé Biên Hòa cho biết trong kỳ, đơn vị này đã tối ưu hóa dòng tiền cho hoạt động đầu tư và giảm chi phí lãi vay, từ đó tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh chung của Công ty. 

 

Hướng đi trong biến động 

Trong khi nhiều hộ trồng cà phê chưa kịp mừng thì so với mức đỉnh vào cuối tháng 4, giá cà phê nội địa đầu tháng 5 đã giảm đến hơn 35.000 đồng/kg. Đà lao dốc sau nhiều tháng tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn hạn chế giao dịch, chỉ những đơn vị cần hàng mới bắt buộc phải mua để thực hiện cam kết với khách hàng.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết trong thời gian tới, giá quay về giá đỉnh là khó, có thể giá sẽ giảm những vẫn sẽ cao hơn mức giá trước đó. Với góc nhìn là công ty thương mại các sản phẩm từ cà phê, ông Lê Ngọc Anh Khoa, CEO của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sơn Nguyên, nhận định bối cảnh giá cà phê biến động là một thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp trong ngành. Nguyên nhân chính là do giá cà phê vẫn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố biến động như điều kiện thời tiết, sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các quốc gia lớn và các yếu tố kinh tế vĩ mô khác.

“Dựa trên dữ liệu và xu hướng hiện tại, có khả năng giá cà phê sẽ tiếp tục biến động mạnh. Đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, áp dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro như hợp đồng tương lai và linh hoạt trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ là chìa khóa để vượt qua thách thức cũng như tận dụng cơ hội trong thị trường cà phê toàn cầu”, ông Anh Khoa chia sẻ.

Ở góc nhìn khác, ông Cổ Nguyên Vũ, CEO của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nông nghiệp Thực phẩm Hữu cơ Việt Nam, cho hay trong bối cảnh giá cà phê biến động mạnh, Công ty đã mở rộng phát triển vùng trồng cà phê hữu cơ, đạt chứng nhận hữu cơ (USDA) của Mỹ. Điều này không chỉ giúp Công ty nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt tại thị trường Mỹ, nơi nhu cầu đối với sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng.

Theo ông Vũ, tiêu chuẩn USDA đòi hỏi những yêu cầu khắt khe từ giống cây trồng đến nguồn nước, thậm chí là sản lượng trên mỗi hecta, qua đó, dù chi phí sản xuất có cao hơn so với sản xuất truyền thống, nhưng giá trị gia tăng mà đơn vị nhận được là đáng kể, giúp cân bằng và thậm chí tăng doanh thu trong bối cảnh thị trường khó khăn. 

Có thể thấy, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi mặt hàng này còn nhiều dư địa tăng trưởng. Bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại. Vì vậy, việc đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu, tập trung cải thiện chất lượng... mới là hướng đi bền vững cho cà phê Việt. 

Có thể bạn quan tâm 

Vàng sốt vs vàng ế