Hiện nay, cơ hội tiếp cận nền giáo dục quốc tế tại Việt Nam là vô cùng rộng mở. Ảnh: Ảnh: shutterstock.com.

 
Vân Nguyễn Thứ Tư | 06/03/2024 08:00

Vòng quay du học: Đi xa, bước vững

Bản đồ du học của Việt Nam chứng kiến sự dịch chuyển đáng kể và đang trên đà vượt mốc cao nhất trong 2 năm tới.

Sau đại dịch, có gần 140.000 du học sinh vào năm 2023 (theo UNESCO Institute for Statistics). Điều này phản ánh những nét thay đổi mới trong ngành du học mà cả các công ty lẫn học sinh đều cần lưu ý để có thể kịp thời thay đổi và thích nghi. 

Điểm đến dịch chuyển

Đầu tiên phải kể đến sự gia tăng trong những điểm đến ở châu Á đối với du học sinh Việt. Trong 10 năm gần đây, Nhật vốn là điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2022 Hàn Quốc đã vượt lên dẫn đầu với hơn 70.000 du học sinh Việt. Điều này đến từ mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa Việt Nam - Hàn Quốc và không thể không kể đến chính sách Study Korea 300K của Chính phủ Hàn nhằm đạt mục tiêu thu hút 300.000 sinh viên quốc tế vào năm 2027. Với những điều kiện thuận lợi như đơn giản hóa yêu cầu đầu vào, bổ sung các chương trình hiện đại, Hàn Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút nhiều du học sinh Việt trong 3 năm tới. 

Ở châu Á, Đài Loan cũng trở thành điểm đến của ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam nhờ vào chính sách thu hút, trao đổi tài năng và nguồn lao động chất lượng cao với các quốc gia Đông Nam Á, Nam Á và Úc.

Có thể thấy, với sự tương đồng, giao thoa văn hóa và những thúc đẩy mạnh mẽ về giao lưu kinh tế, xã hội giữa các quốc gia châu Á và Việt Nam, cộng với việc đề ra những chính sách đáp ứng nhu cầu cá nhân của người học đã thúc đẩy sự dịch chuyển du học sang những quốc gia này, đồng thời thể hiện nhu cầu rất lớn của các nước đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Dẫu vậy, những quốc gia nói tiếng Anh vẫn giữ vững vị thế trong mắt du học sinh Việt Nam. Năm 2023, với hơn 70.000 du học sinh Việt Nam và đang tăng trưởng trở lại, sự thay đổi chủ yếu nằm ở sự dịch chuyển dòng sinh viên Việt giữa các quốc gia do chính sách visa, thu hút việc làm và định cư mới của các quốc gia nói tiếng Anh.

Đầu tiên phải nói đến chính sách visa lao động nhằm tăng nguồn nhân lực có trình độ của Chính phủ Anh, yêu cầu nhóm này có mức lương tối thiểu tăng từ 26.000 bảng Anh/năm lên 38.700 bảng Anh/năm (hơn 30%). Trong cùng động thái, Úc siết chặt visa đối với khối TAFE (giáo dục cao đẳng kỹ thuật và thực hành) và VET (học nghề), điều hướng nguồn lao động, nhập cư đến với Úc nhiều hơn qua giáo dục đại học chất lượng cao. Việc này không ảnh hưởng nhiều đến du học sinh mới cũng như sinh viên theo đuổi những ngôi trường uy tín, song sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người chỉ đi du học “cho có” để tìm kiếm cơ hội định cư.

Thoạt đầu những chính sách trên dấy lên nhiều lo ngại về khả năng hạn chế khả năng du học và việc làm tại nước ngoài của học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy việc này cũng đồng thời tối đa hóa cơ hội dành cho những người đủ năng lực và nỗ lực xứng đáng. Hiện nay, cơ hội tiếp cận nền giáo dục quốc tế tại Việt Nam là vô cùng rộng mở với vô số chương trình đào tạo liên kết bắt đầu cả từ trung học phổ thông. Cộng với việc các nước nói tiếng Anh vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam, sự thay đổi này sẽ không gây quá nhiều trở ngại cho những du học sinh mới.

Những yếu tố này đã dẫn đến xu thế mở rộng sự lựa chọn quốc gia du học của sinh viên. Xu hướng trên đòi hỏi các trường đại học chú trọng đổi mới chương trình học, gắn với hệ sinh thái giúp sinh viên quốc tế trang bị kiến thức nền tảng và thực hành tốt, nâng cao khả năng đáp ứng việc làm (employability) và phát triển bền vững trong nghề nghiệp. Vì vậy, sinh viên càng nên lưu ý đến những chính sách này, thay vì chỉ chung chung chọn trường dựa vào uy tín và lịch sử xếp hạng, học bổng, mà còn quan tâm chọn ngành học dẫn đến cơ hội việc làm cao.

Chọn ngành: Bước đầu tiên trong chiến lược sự nghiệp

Quan điểm đổi mới của phụ huynh cùng sự phát triển chương trình học và hướng nghiệp ở bậc phổ thông giúp mở rộng lựa chọn ngành nghề tương lai cho học sinh phổ thông.

Các bậc cha mẹ hiện đại mong muốn con được tiếp cận đa dạng, sớm hơn với khoa học, công nghệ, nghệ thuật, sáng tạo và rèn luyện kỹ năng mềm, giúp các em thích nghi tốt hơn với xu hướng nghề nghiệp tương lai và quen dần hơn với ‘’dịch chuyển toàn cầu’’. Ngày càng phổ biến hơn các gia đình Việt ủng hộ con vào học những chương trình STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics), trí tuệ nhân tạo (A.I), khoa học dữ liệu, truyền thông tương tác hay khối ngành nghệ thuật và thiết kế.

Đáng mừng là nhiều trường tư và quốc tế đang áp dụng mô hình giáo dục mới như STEM, STEAM (STEM + Arts), bồi đắp nền tảng về khoa học, công nghệ, nghệ thuật cho học sinh. Nhiều trường ‘’thuần Việt’’ cũng đưa vào chương trình giảng dạy theo các chứng chỉ quốc tế như Cambridge, Tú tài Quốc tế IB, Tú tài Anh Quốc A-Levels, đưa học sinh vào lộ trình trực tiếp hơn tới các trường đại học nước ngoài mà không cần những chương trình dự bị chuyển tiếp.

Du học chuẩn đích hướng tới phát triển nghề nghiệp 

Thế giới việc làm chuyển biến, dẫn đến nhu cầu học tập thay đổi. Du học sinh cao học hiện nay có thể lựa chọn 1 trong 3 con đường: Đi sâu - tiếp tục học lên ở lĩnh vực mình đã học/ đang làm việc; Chuyển hướng - học thêm một chuyên môn mới để chuyển hướng công việc; Bổ sung, mở rộng - học một chuyên ngành bao quát hơn (ví dụ, người làm tài chính đi học MBA), hoặc học một ngành bổ trợ hữu ích cho chuyên môn hiện tại (Marketer học thêm tâm lý học để hiểu thêm về hành vi người tiêu dùng, hay học kỹ năng ứng dụng A.I, UX - UI để tăng năng lực và hiệu suất làm việc).

Sự thay đổi nhanh chóng của môi trường việc làm còn yêu cầu du học sinh chọn ngành đạt 2 tiêu chí: xây dựng kiến thức nền tảng tốt và tư duy học tập suốt đời và có tính thực hành cao. Vì vậy, ngay trong những ngành học quen thuộc (kinh doanh, công nghệ thông tin, truyền thông, marketing) nếu trước kia, chỉ có vài lựa chọn cơ bản và tổng quát, thì ngày nay, người học có thể sớm định vị việc làm ngay từ khâu chọn ngành.

Thời đại của kỹ thuật số, không gian đa màn hình và dữ liệu lớn còn tạo nên sự giao thoa giữa các chuyên môn công việc và thiết kế khóa học. Ngày nay, không còn phân định rạch ròi chỉ ai học toán, hay công nghệ thông tin mới được chạm vào dữ liệu, hay tư duy thiết kế chỉ dành cho dân đồ họa, mỹ thuật. Marketer có thể xây dựng và thực thi chiến dịch bớt cảm tính bằng cách học và trau dồi phân tích dữ liệu (Analytics) trong marketing, một nhà quản lý có thể giúp vận hành doanh nghiệp đột phá hơn khi biết ứng dụng data và A.I trong quản trị doanh nghiệp và thiết kế chiến lược kinh doanh (A.I for Business)...

Qua quan sát sự phản hồi, tương tác lẫn nhau của thị trường lao động và hệ sinh thái giáo dục, có thể thấy sự vận động của môi trường việc làm sẽ mở ra cả cơ hội học tập mới mẻ hơn cho du học sinh. Tuy nhiên, cũng đưa ra thách thức mới cho sinh viên trong việc xây dựng một lộ trình ‘’gần đúng’’ nhất, giúp đạt được trải nghiệm du học tích cực và quan trọng hơn, là việc làm phù hợp, nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Tư vấn du học: Từ trung gian thông tin thành chuyên gia đồng hành

Với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trong bối cảnh thời đại bùng nổ thông tin trên các nền tảng kỹ thuật số, vai trò của người làm tư vấn có tâm và có tầm ngày càng trở nên quan trọng. Xét về bản chất, công việc tư vấn chính là đồng hành cùng khách hàng để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Và để làm được điều đó trong lĩnh vực du học, các công ty tư vấn cần có sự thay đổi mạnh mẽ về chuyên môn cũng như tư duy dịch vụ.

Theo chiều dọc, nhân viên tư vấn du học cần nâng cấp chuyên môn trong bộ kỹ năng tư vấn về lộ trình học tập và nghề nghiệp. Theo chiều ngang là tính cấp thiết trong việc gia tăng sự hiểu biết và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đối với những dịch vụ phái sinh của du học (như tài chính, nhà ở). Nâng cao chuyên môn trong việc định hướng nghề nghiệp là bước đầu tiên nhằm giải quyết được nhu cầu khách hàng. Theo khảo sát của Hiệp hội Du học châu Á năm 2021, 74% phụ huynh mong muốn được tư vấn chi tiết về nghề nghiệp khi lựa chọn du học cho con em. Do đó, đội ngũ tư vấn viên cần nắm vững xu hướng phát triển của các ngành nghề (tại quốc gia điểm đến và Việt Nam) để đưa ra được định hướng đúng đắn cho khách hàng.

Không chỉ dừng lại ở việc đề xuất lựa chọn và hoàn thành thủ tục đầu vào, người tư vấn giờ đây còn góp phần thiết kế lộ trình trải nghiệm quốc tế hiệu quả cho sinh viên trong thời gian du học, ít nhất là trong khoảng thời gian được cho phép của những chính sách visa du học cơ bản. Lộ trình này bao gồm cả học tập, nghiên cứu, tham gia hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập, trải nghiệm văn hóa và tìm kiếm cơ hội việc làm. Suy cho cùng đây chính là giá trị gia tăng của dịch vụ tư vấn du học hiện đại, là lý do khiến các đại lý tư vấn và người làm tư vấn giáo dục xứng đáng với hy vọng và nguồn lực mà gia đình cũng như các em học sinh bỏ ra.

Các mô hình trong‘’bản đồ’’ tư vấn du học Việt Nam

Gần giống như dịch vụ ‘’gia sư - huấn luyện viên cao cấp’’ ở Hàn Quốc, Hong Kong, tại Việt Nam, mô hình này đặt học sinh vào một lộ trình dài hơi (2-3 năm trở lên), đòi hỏi một mức đầu tư cao từ ứng viên và gia đình, cùng với lộ trình có tính cá nhân hóa và đảm bảo đầu vào kèm cơ hội giành học bổng tới số ít những ngôi trường hàng đầu thế giới như Ivy League hoặc Top 50 Mỹ, nhóm 5-10 trường đại học hàng đầu nước Anh (Công ty du học Summit & Blue Moutain; GPA; IvyPrep; Point Avenue, hoặc các huấn luyện viên - Coach hoạt động độc lập tại Việt Nam và nước ngoài - onshore).

Thế giới việc làm chuyển biến, dẫn đến nhu cầu học tập thay đổi. Ảnh: shutterstock.com.
Thế giới việc làm chuyển biến, dẫn đến nhu cầu học tập thay đổi. Ảnh: shutterstock.com.

Còn lại, đại đa số du học sinh tương lai sẽ đến với các nhà ‘’tư vấn tuyển sinh - Student Placement’’, bước vào hầu hết các trường đại học, cơ sở giáo dục trên toàn thế giới mà không phát sinh, hoặc tốn rất ít phí tư vấn hồ sơ. Địa hạt này bao gồm cả những mạng lưới toàn cầu với chất lượng dịch vụ và hệ thống tư vấn ‘’chuẩn quốc tế’’ như AECC, IDP, AUG, Integreat...; và các công ty ‘’thuần Việt’’ có lợi thế am hiểu địa phương như ILA, ISC, Đức Anh, ATS, New World, Nam Phong, Vietint, GSE, KingStudy...

Gần đây, khi có nhiều học sinh có định hướng du học ngành nghệ thuật, sáng tạo hơn, có không ít học viện mỹ thuật, âm nhạc, truyền thông đa phương tiện đã mở rộng sang lĩnh vực du học, tích hợp thêm lộ trình đào tạo kỹ năng và xây dựng hồ sơ hội họa, thiết kế, trình diễn (portfolio), đưa học viên tới những ngôi trường/khoa ngành nghệ thuật, sáng tạo trên thế giới.

Các loại hình dịch vụ tư vấn suy cho cùng là sự phản chiếu và ‘’tương tác’’ với nhu cầu của khách hàng. Ngày nay, khi người học dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin dồi dào qua các website, các trang đánh giá, xếp hạng, những hội nhóm mạng xã hội và nhà sáng tạo nội dung, KOL, KOC, người tư vấn ngoài tăng cường chuyên môn và kinh nghiệm, cũng nên chủ động tham gia vào mạng lưới thông tin này, thoát khỏi áp lực bán hàng, tăng chất song hành và tư vấn giải pháp. Có như vậy, mới cùng các du học sinh tương lai đạt được mục tiêu ‘’đi xa, bước đúng - cần hiểu mình và có sự đồng hành’’.