Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm của Chính phủ để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Quý Hòa

 
Hải Đăng Chủ Nhật | 14/04/2024 09:00

Vốn xanh cho nông nghiệp xanh

Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam đang trở thành một nhân tố quan trọng trong nông nghiệp toàn cầu.

Nông nghiệp xanh không chỉ giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất nông nghiệp, mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu như Mỹ hoặc châu Âu.

Đóng góp khoảng 12% vào GDP của Việt Nam, nông nghiệp từ lâu đã là xương sống của nền kinh tế Việt Nam với một số lợi thế so sánh như đất canh tác, độ che phủ rừng, lãnh thổ biển, khí hậu nhiệt đới, lao động sẵn có và chi phí hiệu quả. Năm 2023 ngành nông nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, đạt 3,83%. Sản lượng cao thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỉ USD, thặng dư thương mại hơn 12 tỉ USD, chiếm 42,5% tổng thặng dư thương mại của Việt Nam.

Chỉ dấu tăng trưởng

Theo dữ liệu của HSBC, Việt Nam đang xuất khẩu một loạt sản phẩm nông nghiệp đi khắp thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chính là gạo, cà phê, hạt điều và rau quả, chiếm hơn 16 tỉ USD xuất khẩu nông sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 54-55 tỉ USD vào năm 2024.

Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam đang trở thành một nhân tố quan trọng trong nông nghiệp toàn cầu. Năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã chọn Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia đầu tiên thí điểm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Lương thực Thực phẩm, một sáng kiến hàng đầu của Liên minh Hành động Lương thực được thiết kế để cải thiện tính bền vững trong sản xuất lương thực.

16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, với một số hiệp định khác đang được đàm phán đã tạo nhiều lợi thế cho xuất khẩu nông nghiệp. Nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam đã xóa bỏ tới 94% dòng thuế đối với rau quả, tạo lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc. Cụ thể, đối với gạo, thuế quan ưu đãi từ EVFTA đã mang lại lợi ích cho Việt Nam so với các nước như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ. Việt Nam đã trở thành một trong những nguồn cung cấp hạt điều và cà phê lớn nhất cho EU.

Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm của Chính phủ để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Do vị trí địa lý của mình, Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp. Từ sau cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 đầy mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉ trọng các sản phẩm phân bón hữu cơ, việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học cũng như áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước tiên tiến dự kiến tăng đáng kể trong những năm tới.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2050 Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Đặt trọng tâm vào nông nghiệp xanh không chỉ giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất nông nghiệp, mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu như Mỹ hoặc châu Âu. Vì thế, xúc tiến xuất khẩu xanh là yêu cầu đề ra, mà ngành lúa gạo đã tiên phong với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp. Năm nay, gạo carbon thấp dự kiến góp phần tăng giá trị xuất khẩu 13% so với năm 2023.

Thúc đẩy dòng vốn xanh

Ông Oscar Ortiz, Giám đốc Cấp cao, Nhóm Tư vấn các Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGAIR, nhận định: “Việt Nam đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Nhưng điều cần làm là củng cố vị thế nhà cung ứng nông sản và lương thực có trách nhiệm, từ đó khả năng chi phối sẽ lớn hơn”.

Vì vậy, cần có nguồn vốn để thúc đẩy mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 của ngành nông nghiệp với các hoạt động chuyển hướng sang tài chính xanh, định hướng thị trường và giúp các công ty nông nghiệp xây dựng tư duy bền vững. Hiện nay, ngành ngân hàng đẩy nhanh dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh ở mức bình quân 2 con số, song ngành ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai các sản phẩm tín dụng xanh. Bởi vì, các tổ chức tín dụng còn thiếu căn cứ để xác định cấp tín dụng xanh do chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, tài chính xanh phải được coi là trụ cột quan trọng nhất, phải được lồng ghép và có chính sách liên quan đến thúc đẩy tài chính xanh.

Ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn VBF, cho biết ngoài các nguồn vốn truyền thống như vốn ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp thông qua hệ thống ngân hàng và thị trường vốn..., thị trường đang hình thành các dòng vốn đặc biệt cho phát triển xanh. “Nhóm công tác ngân hàng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các nguồn vốn tài chính xanh, tín dụng xanh được tính ngoài biên độ tăng trưởng tín dụng hằng năm”, ông Dominic Scriven nêu giải pháp thúc đẩy dòng tài chính cho lĩnh vực này.

Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc Đầu tư Toàn cầu Quỹ responsAbility Investments AG (Thụy Sĩ), cho biết để đầu tư vào chuyển đổi xanh, bền vững cần một khoản đầu tư lớn, tốn kém, do vậy cần có tầm nhìn dài hạn đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng...; những khoản đầu tư lớn như vậy doanh nghiệp không thể đi một mình, mà cần phải có hệ sinh thái. Đó là sự cộng hưởng của doanh nghiệp, hệ thống tài chính, ngân hàng trong việc đầu tư, hợp tác đưa nguồn vốn xanh đi vào thực tế.

Theo ông Surajit Rakshit, Giám đốc Toàn quốc Trung tâm Thanh toán quốc tế và Tài trợ chuỗi cung ứng, HSBC Việt Nam, để tối ưu hóa các cơ hội trong ngành nông nghiệp, cần phải có những thay đổi chính sách nhất định để thúc đẩy đổi mới và đầu tư vào công nghệ cao. Cần có kế hoạch thực hiện rõ ràng hơn đối với PDP8 cũng như chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để hiện thực hóa lợi ích và thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng cần đưa ra những ưu đãi nhất định liên quan đến tài chính xanh nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi.

“Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và nhiều FTA đã được ký kết, cơ hội cho ngành nông nghiệp là rất lớn. Chúng tôi hy vọng đây tiếp tục là chỉ dấu cho sự tăng trưởng GDP của Việt Nam”, ông Surajit Rakshit nhận định.