Vốn xanh cho doanh nghiệp xanh
Sau hơn 10 năm phát động, nguồn vốn tín dụng xanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã tăng trưởng đáng kể. Nguồn vốn này tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững đi kèm với trách nhiệm xã hội thông qua giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều e ngại từ cả phía các tổ chức tài chính và doanh nghiệp khi xét về lợi ích kinh tế. Hiện tại, nguồn vốn tín dụng xanh ở Việt Nam chủ yếu đến từ các quỹ tài trợ quốc tế, một phần đến từ Chính phủ, riêng đóng góp từ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước tính tới tháng 6.2019 đã lên đến 317.600 tỉ đồng. Tỉ trọng tín dụng xanh cũng tăng từ 1,5% lên 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (Theo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - GIZ), nhưng việc giải ngân chưa bao giờ dễ dàng.
Theo đại diện của Vietcombank, các dự án xanh thường phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, nhiều ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh là các ngành nghề mới ở Việt Nam như điện mặt trời, điện gió, điện rác..., trong khi cơ chế hiện nay chưa đủ khuyến khích các ngân hàng dồn vốn vào tín dụng xanh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, giải thích, hệ thống ngân hàng gặp khó khi triển khai tín dụng xanh vì chưa có tiêu chí cụ thể để làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát thực hiện. Còn nếu áp theo bộ tiêu chuẩn quốc tế thì rất khó tìm được doanh nghiệp Việt kiên trì đồng hành.
“Từ năm 2017, HSBC đã cam kết dùng 100 tỉ USD cho phát triển xanh. Mãi tới tháng 7.2020, khi HSBC toàn cầu đã giải ngân được 52 tỉ USD thì HSBC Việt Nam mới giải ngân khoản tín dụng đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam là Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân“, bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Phụ trách Khối Khách hàng doanh nghiệp khu vực phía Nam, HSBC Việt Nam, chia sẻ. Ngoài mục đích sử dụng vốn, quy trình thẩm định và báo cáo gian nan, rào cản lớn nhất là từ tư duy và mong muốn của doanh nghiệp.
Duy Tân dùng khoản vay này để phát triển nhà máy tái chế nhựa có tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD với quy mô 65.000 m2 tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) nhằm đáp ứng yêu cầu xanh hóa theo xu hướng thế giới. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động từ quý IV/2020, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế bottles-to-bottles, tức tái chế chai nhựa phế liệu thành chai nhựa mới, đạt chuẩn FDA để sử dụng trong bao bì thực phẩm. Năng lực sản xuất dự kiến khoảng 100.000 tấn mỗi năm.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Giám đốc Tài chính Công ty Duy Tân, chia sẻ, để vượt qua được chương trình này, Công ty phải thẩm định rất nhiều chỉ số về tài chính, những thông số về sản xuất. Thêm vào đó, khi doanh nghiệp cam kết tham gia hành trình tín dụng xanh, còn phải chấp nhận sự can thiệp của bên thứ 3 trong khâu báo cáo thẩm định xuyên suốt quá trình vận hành.
Ngành ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc xanh hóa dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, lãi vay không ưu đãi nhiều so với tín dụng thông thường, lại kèm thêm thủ tục phức tạp và nhiều chi phí phát sinh trong quá trình vận hành. Nhưng nếu xét về góc độ xã hội, đây là một xu hướng cần thực hiện để cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp phát triển vững chắc trong xu hướng chuyển dịch toàn cầu sang tiêu dùng xanh.
“Nếu Duy Tân không muốn đi theo con đường xanh thì HSBC cũng không thể hỗ trợ được. Hai bên gặp nhau ở quan điểm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Lợi ích của tín dụng xanh đi từ vấn đề xã hội hơn là vấn đề tài chính”, bà Oanh cho biết.
Các sản phẩm của Nhựa Duy Tân |
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thế giới sẽ cần tới hơn 100.000 tỉ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong 15 năm tới để nhiệt độ Trái đất không tăng lên quá 20C. Phân bổ vào các lĩnh vực như giao thông, nước sạch, viễn thông, năng lượng, tín dụng xanh không chỉ nâng cao uy tín cho doanh nghiệp mà còn giúp các tổ chức tài chính có nhiều khoản tín dụng xanh được giải ngân hiệu quả có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tăng trưởng xanh của thế giới.
Từ những vấn đề nêu trên, để nguồn vốn tín dụng xanh phát huy tác dụng, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần tìm thêm nhiều giải pháp để hướng tới kết quả win-win. Một mặt, ngân hàng nên phân tầng những bộ tiêu chuẩn cấp tín dụng xanh để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận hơn, mặt khác cần tăng cường đội ngũ hỗ trợ cố vấn doanh nghiệp trong quá trình sử dụng các khoản tín dụng xanh đã giải ngân.
Về phần doanh nghiệp, cần phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tín dụng xanh trong hành trình xanh hóa hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, không thể thiếu được vai trò của Nhà nước trong việc đồng bộ chính sách thuế, lãi suất, ưu tiên quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực kinh doanh xanh cụ thể.