AIIB là ngân hàng được thành lập để hỗ trợ cho đề án One Belt - One Road (Một vành đai - Một con đường) của Trung Quốc. Ảnh: Getty Imagines
Vốn Trung Quốc tiếp tục tăng
Thương vụ bất ngờ
Lần đầu tiên từ khi thành lập cách đây 5 năm, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập bất ngờ có một thương vụ đầu tư vào Việt Nam. Đó là khoản cho vay 100 triệu USD cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế. Bằng cách bơm thanh khoản, chúng tôi có thể hỗ trợ phân khúc quan trọng này như là một phần trong tiến trình phục hồi kinh tế nói chung tại Việt Nam”, ông D.J. Pandian, Phó Chủ tịch Phụ trách hoạt động đầu tư của AIIB, nhận định.
Sự xuất hiện của AIIB là khá bất ngờ, đặc biệt khi ngân hàng này vốn được thành lập để hỗ trợ cho đề án One Belt - One Road (Một vành đai - Một con đường) của Trung Quốc. Động thái này cho thấy ngay sau đại dịch, nền kinh tế số 2 thế giới đã ngay lập tức tăng cường rót vốn đầu tư ra bên ngoài như một phương cách tìm kiếm lợi nhuận mới.
Đơn cử như mới đây, Chính phủ Campuchia thông báo kế hoạch triển khai tuyến cao tốc từ Phnom Penh đến Bavet. Tập đoàn China Railway International Group của Trung Quốc dự kiến sẽ là nhà đầu tư cho dự án cao tốc Phnom Penh - Bavet. Đáng chú ý, tuyến cao tốc này sẽ kết nối với cửa khẩu Mộc Bài và dự kiến thông suốt với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài mà Việt Nam lên kế hoạch xây dựng.
Gần đó, dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu Việt Nam tại Tây Ninh (nhà đầu tư Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR. Trước đó, AIIB cũng đồng ý cho vay 404 triệu USD vào một dự án du lịch ở Bangladesh hay một số nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã bày tỏ ý định muốn tham gia vào dự án cao tốc Bắc Nam dài hơn 2.100 km của Việt Nam.
Hay ở lĩnh vực năng lượng, Công ty Risen Energy vừa trở thành nhà cung ứng tổng thầu xây dựng EPC cho 4/5 dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xinghai (Trung Quốc) tại Lộc Ninh (Bình Phước).
Đây là một trong những dự án EPC do tư nhân tài trợ lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng sẽ giúp Công ty cải thiện khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam sau khi được hòa vào lưới điện thành công. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng tối đa các lợi thế của mình để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trên thế giới và cung cấp cho họ những sản phẩm và dịch vụ điện mặt trời chất lượng cao hơn", đại diện Risen Energy nhận định.
Các dự án bất động sản có vị trí tốt (như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc) cũng có thể lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư Trung Quốc. Lần đầu tiên tại Nha Trang, chính quyền địa phương đã cấp phép cho một dự án được bán căn hộ cho người nước ngoài.
Theo Savills Vietnam, mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ kéo dài, các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị những dự án mới để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước khi thị trường phục hồi. “Một số luật được đề xuất nới lỏng cho người nước ngoài có thể là một sự thúc đẩy nguồn cung kịp thời với kỳ vọng Việt Nam vẫn sẽ là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản thấp nhất trong khu vực”, Savills Vietnam nhận định.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,82 tỉ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3, sau Singapore và Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,7 tỉ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư.
Nhà đầu tư Trung Quốc tận dụng cơ hội
Có thể thấy bất chấp đại dịch, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn hăng hái tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn bên ngoài, đặc biệt khi lượng lớn doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, chuyển nhượng tài sản gia tăng.
Với tiềm lực tài chính sẵn có, các tập đoàn Trung Quốc dường như muốn tận dụng cơ hội này để gia tăng vị thế sở hữu hay tham gia đầu tư vào dự án tiềm năng tại các vị trí chiến lược như Việt Nam.
Thực tế trên bình diện khu vực, ngay cả khi đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh tế và giao thương, các công ty Trung Quốc vẫn tăng cường mua lại hoặc đầu tư vào tài sản nước ngoài có tiềm năng.
Theo GlobalData, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.2020, đã có 57 giao dịch M&A được giới đầu tư Trung Quốc thực hiện ở bên ngoài với tổng giá trị lên đến 9,9 tỉ USD. Trong đó, các quốc gia và khu vực có vị trí nằm trong sáng kiến One Belt - One Road trở thành địa điểm ưa thích của dòng vốn đầu tư Trung Quốc.
Theo báo cáo gần đây của Học viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, rủi ro đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi tương đối cao hơn so với các nền kinh tế tiên tiến, nhưng chúng vẫn là điểm đến hứa hẹn nhất cho đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt khi đi cùng với One Belt - One Road. Báo cáo này cũng đánh giá 114 quốc gia để xếp hạng môi trường đầu tư, trong đó có 18 quốc gia ở mức rủi ro thấp, 68 ở mức rủi ro vừa phải và 28 ở mức rủi ro cao. Singapore là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng này.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng chào đón dòng vốn của nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt khi nhiều tài sản sụt giảm giá trị vì COVID-19 mang đến nguy cơ bị thâu tóm giá rẻ. Chính phủ Úc mới đây đã ban hành điều luật mới nhằm kiểm soát chặt hơn các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách mua những tài sản nhạy cảm, đặc biệt là từ nhà đầu tư Trung Quốc.
Các lĩnh vực nhạy cảm đó là viễn thông, năng lượng, công nghệ. Dù vậy, đối với những quốc gia có nguồn lực hạn chế hơn như Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư hậu đại dịch để phục hồi tăng trưởng kinh tế rất lớn. Bài toán chào đón hay từ chối dòng vốn dồi dào từ Trung Quốc sẽ không dễ có lời giải.