Vốn tín dụng đang tìm đầu ra
Cụ thể, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm tại các NHTM Nhà nước; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 11,5-12,8%/năm. Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.
Đối với nhóm NHTM cổ phần, lãi suất cho vay trung và dài hạn cao nhất khoảng 12-13%/năm.
Số liệu cho thấy lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 85% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, 15% còn lại là tỷ trọng cho vay đối với đầu tư chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng. Tăng trưởng tín dụng đối với một số ngành đạt mức khá cao như tín dụng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 12,68%, khai khoáng tăng 8,99%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 10,69%...
Tuy nhiên, nhận định chung là tình hình “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều dẫn đến hạn chế khả năng hấp thụ vốn. Nhiều doanh nghiệp không chứng minh được tính khả thi của dự án, báo cáo tài chính không rõ ràng minh bạch, hầu hết tài sản đã được thế chấp để đảm bảo cho các nghĩa vụ của khoản vay cũ và đến nay chưa trả được nợ, nên các ngân hàng dù thừa vốn cũng không thể cho vay.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, trong những tháng cuối năm, trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của hệ thống ngân hàng vẫn là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, theo đó, tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng, lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Để đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh hơn, hiện NHNN đang khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. NHNN sẵn sàng dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê...
Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế như các giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp,thực hiện cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của ngân sách; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục công chứng...
Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình hiện nay; cơ cấu lại hoạt động để nâng cao hiệu quả.
Nguồn Chinhphu.vn