Thứ Ba | 25/06/2013 14:51

Vốn nước ngoài sẽ chảy mạnh vào chứng khoán

Tuần trước, một bài báo của hãng tin Bloomberg cho biết từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 254 triệu đô la Mỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam (VN), mức cao nhất của dòng vốn đầu tư gián tiếp trong vòng 5 năm trở lại đây. Ba nhóm lý do lớn nhất cho lực hút mạnh mẽ của dòng vốn ngoại này đến từ những gì đang diễn ra đối với kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán (TTCK) các nước; với các TTCK trong khu vực và với nền kinh tế VN.

Chứng khoán hưởng lợi từ chính sách "in tiền"

Về kinh tế và chứng khoán thế giới, chỉ số S&P 500 đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay: chỉ số chứng khoán Nhật Nikkei Index tăng 38% từ đầu năm do lượng tiền khổng lồ mà chính phủ Mỹ, Nhật đưa ra để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ở Mỹ với gói nới lỏng định lượng thứ ba, Cục Dự trữ Liên bang (FED) cam kết mua vào 85 tỷ đô la Mỹ trái phiếu mỗi tháng cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5% (mức hiện tại là 7,5% và cao nhất là 10% vào năm 2009).

Việc mua lại trái phiếu hàng tháng của FED về cơ bản, giống như in ra một lượng tiền lớn và mức đỉnh cao nhất của chỉ số S&P 500 cho thấy một phần tiền mới in đang đổ vào chứng khoán Mỹ.

Ở Nhật, chương trình Abenomics cũng tương tự như gói nới lỏng định lượng thứ ba của Mỹ và kết quả là một lượng tiền mới in không nhỏ chảy vào chứng khoán.

Việt Nam từng có một đợt kích cầu ồ ạt kiểu tương tự vào năm 2009, đã đẩy chỉ số VN-Index tăng 57% trong năm đó, nhưng hiện tại VN không có gói kích cầu như vậy.

Cung tiền của VN đã tăng 22% năm 2012 và dự kiến năm nay cũng tăng ở mức tương tự, nên tiền đưa ra không phải là nhân tố chính tác động đến TTCK. Tuy nhiên, sự bơm tiền của Mỹ và Nhật giúp giải thích sự gia tăng của dòng vốn ngoại vào thị trường VN năm 2013.

Lý do khiến tôi bắt đầu bài báo này bằng việc đề cập đến hai gói kich cầu của Mỹ và Nhật là ngoài dòng chảy vào chứng khoán, tiền mới đưa ra còn được đổ vào các tài sản có mức độ rủi ro cao như "junk bond" (trái phiếu rủi ro cao) và trái phiếu, cổ phiếu ở các thị trường mới nổi.

Giới đầu tư chuyên nghiệp đã dùng cụm tư "risk-on" và "risk-off" (chấp nhận và từ bỏ rủi ro) để phân biệt khi nhà đầu tư sẵn lòng bỏ tiền vào các tài sản rủi ro hơn đi kèm lợi nhuận kỳ vọng cao hơn, và khi họ cảm thấy sợ hãi và tập trung vào các khoản đầu tư thận trọng.

Hiện tại, thế giới đang khẳng định xu hướng "risk-on" vì tiền đang được bơm vào những TTCK chứa đựng rủi ro cao hơn mà VN là một thí dụ.

Tôi cũng nhân đây đề cập đến những tranh luận về kinh tế thế giới xung quanh việc tại sao những số liệu thống kê đáng khích lệ về giá nhà đất và lòng tin tiêu dùng tại Mỹ lại đang gây ra một đợt sụt giảm mạnh của chứng khoán Nhật hai tuần vừa qua.

Sự liên kết giữa giá nhà ở Mỹ và chứng khoán ở Nhật nghe có vẻ hơi kỳ lạ và bạn đọc chắc sẽ tự hỏi "làm sao giá nhà Mỹ tăng lại làm chứng khoán Nhật giảm điểm?".

Chứng khoán Nhật có sự điều chỉnh nhỏ do nỗi e ngại kinh tế Mỹ được cải thiện sẽ dẫn đến gói nới lỏng định lượng thứ ba giảm bớt và kết thúc, nghĩa là tiền đổ vào chứng khoán thế giới sẽ ít đi. Nói cách khác, đợt điều chỉnh nhỏ của chứng khoán Nhật hiện hành cho thấy chứng khoán thế giới nhạy với việc bơm tiền như thế nào.

Thậm chí ở VN chúng ta cũng cần quan sát sự chuyển động của kinh tế Mỹ để biết khi nào chương trình in tiền kết thúc, dù nhiều người cho rằng gói nới lỏng định lượng thứ ba còn kéo dài ít nhất một năm nữa.

Tiền từ chứng khoán Đông Nam Á đang dịch chuyển sang VN

Nguồn tiền tiếp theo chảy vào chứng khoán VN đến từ các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines (TIP), nhưng hiện một phần tiền đang dịch chuyển sang VN.

Ngoài một số ít nhà đầu tư đã dịch chuyển tiền từ TIP vào VN, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang nhăm nhe dịch chuyển nên có khả năng sẽ có một luồng tiền ngoại đáng kể vào chứng khoán VN trong năm sau và năm 2015.

Các nền kinh tế châu Á đã phát triển tốt những năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đây là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nhờ đó đã đẩy TTCK (nhất là ở TIP) lên một tầm cao mới.

Trong khi đó, kinh tế và chứng khoán VN bị giật lùi bởi nợ xấu, sự kém hiệu quả của khối DNNN và các vấn đề khác. Kết quả là chứng khoán TIP đã vượt trội chứng khoán VN hơn 100% chỉ trong vòng ba năm.

Giới đầu tư vẫn còn hứng khởi với triển vọng của Đông Nam Á, đặc biệt khi Nhật tăng cường hỗ trợ khu vực này nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình trước sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc. Chứng khoán Philippines đã tăng đến mức, theo quan điểm của chúng tôi, hơi thái quá với P/E bình quân 20 lần (so với 14 lần của VN), hơn gấp đôi mức bình quân của chính nó trong 7 năm.

Do nhà đầu tư nước ngoài quá hứng khởi với Philippines, hiện tại giao dịch của họ chiếm một nửa doanh số thị trường chứng khoán này so với khoảng 25% của thị trường VN.

Thế mới nói, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu hoặc có ý định chuyển tiền đầu tư từ Philippines sang VN. Dòng tiền từ Philippines, Thái Lan hiện có thể khiêm tốn, nhưng nó sẽ tăng đáng kể trong 1-2 năm tới.

Có 3 lý do thúc đẩy nhà đầu tư bỏ tiền vào chứng khoán VN và sẽ tăng mạnh trong những năm tới: hệ thống ngân hàng đang được thanh lọc; sự phục hồi mang tính chu kỳ của nền kinh tế và triển vọng dài hạn của quốc gia nhờ dân số trẻ và sự nổi lên của tầng lớp trung lưu; sự tăng trưởng xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các nhà đầu tư trong nước cần hiểu rằng, tình trạng của hệ thống ngân hàng VN hiện nay không phải ngoại lệ. Thông thường, một đất nước đã trải qua khủng hoảng ngân hàng và tiến hành một cuộc tái cơ cấu triệt để hệ thống ngân hàng, sẽ trở nên mạnh hơn. Trong vòng 10 năm, sau khi Thái Lan cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, TTCK đã tăng 500%.

Các nhà đầu tư nước ngoài hiểu quy luật đó và vì thế, họ càng quan tâm đến chứng khoán VN. Họ không ngây thơ, họ biết cơ cấu ngân hàng là việc khó nhằn. Vì thế, họ mới đầu tư 254 triệu đô la Mỹ vào TTCK VN. Quá trình cơ cấu ngân hàng càng diễn biến tốt, số tiền đầu tư sẽ càng nhảy vọt.

Yếu tố thứ hai, sự phục hồi của nền kinh tế VN, được các nhà đầu tư ngoại có kinh nghiệm nhận ra sau đợt cắt giảm quyết liệt lãi suất vào năm ngoái, đặc biệt là động thái cải cách ngân hàng.

Còn yếu tố cuối cùng, về triển vọng dài hạn của thị trường, cơ cấu dân số của VN hiện giống như Trung Quốc hồi giữa thập niên 1990. Tuy nhiên hiện nay, số lao động lớn tuổi ở Trung Quốc đang tăng nhanh còn VN lại thừa lao động trẻ. Năng suất lao động của lực lượng trẻ tăng lên và khi có kinh nghiệm, họ sẽ là động lực cho sự tăng trưởng của VN trong những năm tới.

Mặt khác, khi người lao động làm việc với hiệu suất cao, thu nhập cải thiện, họ có khả năng gia nhập tầng lớp trung lưu với lối sống tiêu dùng nhiều hơn sản phẩm thức ăn đóng gói, căn hộ cao cấp, dịch vụ tài chính hiện đại như thẻ tín dụng, quản lý tài sản.

Nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm như thế sẽ tạo ra sự tăng trưởng ngoạn mục của những ngành công nghiệp phục vụ tầng lớp trung lưu trong tương lai. Đến lượt mình, sự tăng trưởng những ngành này sẽ lại tiếp tục mở rộng tầng lớp trung lưu, tạo động lực sâu hơn cho sự phát triển kinh tế.

Đầu tư vào những quốc gia với sự nổi lên của tầng lớp trung lưu như Brazil, Thái Lan, Hàn Quốc là việc giới đầu tư nước ngoài đã từng làm và họ hiểu rõ động lực tăng trưởng đến tầng lớp này ở VN đang nổi lên mạnh đến mức nào.

(Theo DNSG)