Vốn Nhật đổ vào Nhommua.com
Đầu tháng 4 năm nay, thông tin từ Cát Đông - Công ty sở hữu website Cungmua.com, Nhommua.com, Shipto.vn cho hay, vừa tăng vốn điều lệ và chuyển nhượng 26,9% cổ phần ở Cát Đông cho Tập đoàn Scroll (Nhật).
Đây là thương vụ chuyển nhượng vốn thứ hai của Cát Đông sau 8 năm thành lập. Trước đó, vào năm 2015, Cát Đông từng nhận được đầu tư từ ACA Investment (một quỹ đầu tư Nhật, trực thuộc Tập đoàn Sumitomo, từng đầu tư vào Bibomart, SonKim Land...). Qua đó, ACA nắm 37% vốn tại Cát Đông.
Như vậy, tính đến hiện tại, cơ cấu cổ đông của Cát Đông đã có thêm sự hiện diện của Scroll. Nhưng khác với lần gọi vốn trước, ở thương vụ này, song song với giao dịch chuyển nhượng là hợp tác bắt tay trong kinh doanh giữa đôi bên. Theo đó, Cát Đông và Scroll sẽ cùng phát huy tối đa nguồn lực quản lý, thế mạnh của cả hai để cùng đẩy mạnh hoạt động ở thị trường Việt Nam. Cụ thể, Scroll sẽ giúp Cát Đông phân phối tour du lịch, hàng hóa xuất xứ từ Nhật và các sản phẩm mang thương riêng của Scroll. Ngoài ra, Scroll sẽ cung cấp các giải pháp trong kinh doanh, hỗ trợ hậu cần, kho bãi, mở rộng kênh bán hàng... để Cát Đông đẩy mạnh chiến lược.
Scroll ra đời từ năm 1943, được biết đến là công ty tiếp thị trực tuyến, chuyên kinh doanh đặt hàng trực tuyến cho các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và du lịch của Nhật. Mô hình mà Scroll thực hiện là ở cả 3 hướng: B2C (doanh nghiệp - người dùng), B2B2C (doanh nghiệp - doanh nghiệp - người dùng) và B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp). Trong buổi lễ công bố hợp tác, ông Hồ Quang Khánh, CEO Cát Đông, nhấn mạnh: “Hợp tác với Scroll chính là cách thức giúp Cát Đông chuyển đổi và thực hiện các chiến lược”.
Cát Đông đã mất 2 năm liên hệ với nhiều nhà đầu tư Nhật trước khi đi đến hợp tác này. Theo ông Khánh, tìm kiếm hợp tác với đối tác Nhật là nước cờ để Cát Đông tìm lại vị thế 1 trong 3 trang thương mại điện tử có doanh số voucher cao nhất mà Công ty đã đánh mất.
Thực tế, Cát Đông từng sở hữu những website đình đám. Trong đó, Cungmua ra đời vào thời điểm thị trường thương mại bùng nổ (năm 2010) và mau chóng lớn mạnh. Không lâu sau, Cungmua thâu tóm Nhommua (năm 2013). Đến năm 2015, Cungmua tìm được nhà đầu tư mới là ACA. Từ đó, theo chia sẻ của ông Khánh, Cungmua và Nhommua luôn có thị phần tương đương với Hotdeal trong mô hình bán hàng theo nhóm (Groupon) tại Việt Nam. Đối với Shipto, một website thương mại điện tử chuyên phân phối, hỗ trợ mua hàng trên Amazon và vận chuyển về Việt Nam, ông Khánh tiết lộ với báo chí là Shipto vẫn đang tăng trưởng tốt.
Groupon là một mô hình buôn bán, thương mại trực tuyến theo hình thức: win - win - win, có lợi cho merchant (nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ), user (người tiêu dùng) và nhà tổ chức (website mua hàng theo nhóm). Theo đó, khách hàng được mua hàng với giá rẻ (giảm từ 50-90%), nhà cung cấp có cơ hội quảng cáo/thu được lượng lớn khách hàng mới với chi phí thấp. Họ còn có cơ hội giới thiệu những sản phẩm mới, bán thêm dịch vụ khác từ khách hàng mua qua mô hình Groupon. Các nhà tổ chức mô hình Groupon thu lợi nhuận từ chiết khấu tổng doanh số bán ra.
Mô hình này rất được chú ý trong các lĩnh vực ăn uống, giải trí, du lịch, sách báo... và xuất hiện đầu tiên ở Mỹ khoảng năm 2007-2008. Các nhà đầu tư Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng kinh doanh của thế giới khi áp dụng mô hình này từ quý II/2010. Ở thời điểm nóng đó, đã có khoảng 100 đơn vị hoạt động theo mô hình này.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp trong ngành, lúc bấy giờ, do mô hình còn mới ở Việt Nam, 90% người dân chưa quen, quy mô thị trường nhỏ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ lại phụ thuộc vào nhà cung cấp, còn bản thân các doanh nghiệp cũng phải đầu tư tốn kém cho nền tảng công nghệ, hệ thống logistic, thanh toán điện tử, chăm sóc dịch vụ... Vì thế, sau thời gian, nhiều đơn vị dần rơi rụng. Đến nay, chỉ còn lại khoảng 20 đơn vị đi theo mô hình này và một số thương hiệu nổi bật trong ngành là Hotdeal, Muachung, Nhommua, Cungmua…
Nhưng ông Khánh thừa nhận, trong sân chơi thương mại điện tử đã thay đổi với quy mô tăng lên và nhiều đối thủ được rót vốn hàng triệu USD, đòi hỏi Cát Đông cũng phải thay đổi, ở cả 2 mảng gồm, cung cấp dịch vụ trọn gói cho các đối tác và tìm kiếm hàng hóa từ nước ngoài.
Cungmua và Nhommua đang bán toàn bộ các danh mục sản phẩm gần như giống nhau. Và về cơ bản, danh mục sản phẩm không có sự khác biệt với các đối thủ là Muachung và Hotdeal. Vì thế, để khác biệt, có thể cạnh tranh với những kẻ dẫn đầu, Cát Đông cần tìm con đường riêng... Sau hợp tác với Scroll, Cát Đông dự tính sẽ sàng lọc lại danh sách nhà cung cấp và ưu tiên chọn những sản phẩm thương hiệu nước ngoài, có ngân sách, chiến lược dài hạn cho marketing. Đối với câu chuyện hàng hóa, như đã đề cập, Scroll sẽ hỗ trợ Cát Đông về nhiều mặt.
Chưa dừng lại, để hợp tác hiệu quả và hỗ trợ cao nhất cho Cungmua, Nhommua trong quản lý, chăm sóc khách hàng, Scroll, với vai trò cổ đông lớn, sẽ nắm 2 ghế trong Hội đồng Quản trị của Cát Đông, đồng thời đưa thêm chuyên gia sang làm việc tại Cát Đông như nhân viên chính thức.
Xa hơn, trong tương lai, bên cạnh phát triển Cungmua, Nhommua và Shipto, Cát Đông sẽ mở rộng thêm mô hình B2B, như Scroll đã làm ở Nhật. Hiện tại, các website của Cát Đông sở hữu 3 triệu khách hàng, liên kết với 6 nền tảng (platform) cùng hơn 1.000 thương hiệu và nhà cung cấp.