Tỷ trọng của Việt Nam trong rổ danh mục tăng từ 14,7% lên 18,2%. Ảnh: Quý Hòa

 
Như Mai Thứ Ba | 03/07/2018 14:58

Vốn ngoại vào chứng khoán Việt Nam có thể tăng 1,2 tỷ USD

Với việc Argentina được thăng hạng lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số thị trường cận biên có thể tăng lên đáng kể.

Vào ngày 21.6 vừa qua, MSCI công bố đợt tái cơ cấu danh mục rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 thường niên. Sau đợt tái cơ cấu này, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ danh mục trên tăng từ 14,7% lên 18,2%, và có khả năng tăng lên 23,3% trong đợt tái cơ cấu sau.

Chỉ số MSCI Index là gì và nó có ý nghĩa như thế nào?

MSCI là thuật ngữ viết tắt của “Morgan Stanley Capital International”- công ty chuyên cung cấp các công cụ phân tích danh mục và chỉ số chứng khoán, có trụ sở tại New York, Mỹ. Hàng năm, MSCI công bố kết quả phân loại định kỳ các thị trường chứng khoán trên thế giới theo các rổ chỉ số (Index) như MSCI Emerging Market (Thị trường mới nổi) và MSCI Frontier Market (Thị trường cận biên).

Theo MSCI, tính đến ngày 30/6/2017, có hơn 12,4 nghìn tỷ USD giá trị tài sản đầu tư đang được tham chiếu với các Index của MSCI, tương đượng với 85% tài sản của tất cả các quỹ đầu tư chứng khoán toàn cầu. Tuơng tự tại các thị trường mới nổi, 85% tài sản đầu tư vào chứng khoán cũng đang được tham chiếu với những Index của MSCI. Nói cách khác, với mỗi 100 USD mà các nhà đầu tư tổ chức bỏ vào thị trường mới nổi, thì 85 USD là được tham chiếu với các Index của MSCI. Theo MSCI, 75% của số tiền này đến từ các quỹ quản lý chủ động (active funds), còn lại đến từ các quỹ thụ động (passive funds).

Các quỹ đầu tư thụ động được thành lập với mục đích mô phỏng kết quả của các bộ chỉ số, ví dụ như VN-Index, VN30, VN100, nghĩa là các quỹ phải phân bổ vốn vào cổ phiếu theo như tỷ trọng vốn hóa của các cổ phiếu này trong các chỉ số tham chiếu và không cần phân tích các công ty. Tăng trưởng của khoản đầu tư sẽ bằng với tăng trưởng của bộ chỉ số đó. Chính vì lý do này, các thay đổi trong danh mục của Index phải được thể hiện trong danh mục đầu tư của quỹ thụ động một cách nhanh chóng nhất nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư giống nhau. Do các quỹ chủ động (vốn cần có sự phân tích chuyên sâu để tìm ra những cổ phiếu tốt để đầu tư sinh lời) ngày càng khó theo kịp kết quả của thị trường, các quỹ thụ động đang ngày một phổ biến hơn với nhà đầu tư. Một thống kê của S&P cho hay, trong 15 năm vừa qua, 92% các quỹ đầu tư chủ động có kết quả đầu tư kém hơn chỉ số S&P 500.

Với việc các quỹ thụ động ngày càng trở nên phổ biến hơn, việc tái cơ cấu danh mục đầu tư và tái phân loại thị trường của các Index phổ biến như MSCI EM hay MSCI FM 100 sẽ có tác động lớn đến dòng tiền đầu tư vào quốc gia và cổ phiếu nằm trong Index.

Ví dụ, nếu tỷ trọng của một thị trường trong Index tăng từ 10% lên 20%, những quỹ thụ động sẽ phải nhanh chóng phản ánh thay đổi này nhằm giữ danh mục đầu tư của họ sát nhất với danh mục của Index, trong khi các quỹ chủ động cũng phải tái cơ cấu danh mục của họ, trừ khi họ thật sự tin rằng kết quả của thị trường nêu trên sẽ kém hơn nhiều so với dự kiến.

Vì logic nêu trên, khi các tài sản quản lý của các quỹ thụ động trở nên lớn hơn, ảnh hưởng của việc tái cơ cấu Index lên thị trường sẽ trở nên rõ rệt hơn, và điều này cũng sẽ thu hút dòng tiền của hedge funds đầu cơ xung quanh các sự kiện này. Chính vì vậy, những sự kiện này nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư toàn cầu. Minh chứng rõ cho điều này là thị trường chứng khoán Argentina tăng 7% với khối lượng giao dịch tăng gấp 3 lần trong ngày công bố thăng hạng lên Emerging Market (Thị trường mới nổi) vào ngày 21/06/2018.

Sự kiện MSCI Frontier 100 Index nâng tỷ trọng của thị trường Việt Nam

Vào ngày 21.6, MSCI thông báo rằng họ sẽ nâng hạng MSCI Argentina Index vào nhóm Emerging Market (Thị trường mới nổi) và nhắm đến đưa MSCI Kuwait Index vào nhóm này. Việc Argentina được nâng hạng, và khả năng của Kuwait được nâng hạng trong năm sau, sẽ các tác động lớn lên tỷ trọng của Việt Nam trong MSCI Frontier 100 Index (FM100). MSCI ước tính có khoảng 14 tỷ USD tài sản quỹ (cả chủ động và bị động) đang tham chiếu FM100 Index, trong khi một nguồn tin uy tín khác nghĩ rằng con số này còn lớn hơn, có thể lên đến 40-50 tỷ USD. Sự chênh lệch này có thể đến từ việc các quỹ không đại chúng không tiết lộ tài sản quản lý và Index họ đang tham chiếu.

Von ngoai vao chung khoan Viet Nam co the tang 1,2 ty USD
Nguồn: Tổng hợp

Dựa trên số liệu của MSCI, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng từ 487 triệu USD đến 1,2 tỷ USD tùy vào việc Kuwait có thăng hạng lên rổ MSCI EM năm sau hay không. Cụ thể, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ FM100 sẽ tăng từ 14,7% lên 18,2% vào giai đoạn tái phân loại kế tiếp, và có khả năng tăng lên 23,3% nếu Kuwait được nâng hạng lên MSCI Emerging Market vào năm sau.

Nếu tài sản quản lý được chia ra thành 75% chủ động – 25% thụ động, chúng ta sẽ thấy mức đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng 120 triệu USD ngay trong đợt tái cơ cấu danh mụch tiếp theo từ các quỹ thụ động (tháng 9 nằm 2019). Dòng tiền chủ động (365 triệu USD) sẽ dần dần tiến vào Việt Nam từ đây đến tháng 9 năm 2019. Nếu con số 40 tỷ là đúng, thì tổng dòng tiền đổ vào Việt Nam sẽ vào khoảng 1,4 tỷ  đến 3.4 tỷ USD – cao hơn mức đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017 ở mức 1,2 tỷ USD (28.000 tỷ đồng). Con số này có thể lớn hơn rất nhiều, nếu như tổng tài sản tham chiếu MSCI FM 100 là 40 tỷ USD.

Sự kiện Index tái cơ cấu và tái phân loại là dịp các nhà quản lý danh mục đầu tư của quỹ chủ động rà soát lại danh mục đầu tư của họ trước khi tái phân bổ nguồn vốn. Top 5 công ty có vốn hóa lớn của Việt Nam nằm trong MSCI FM100 Index là VNM, VIC, HPG, MSN và VRE. Đây đều là những công ty cố nguồn lực kinh doanh tốt, với mức định giá hợp lý trong bối cảnh VN-Index điều chỉnh mạnh trong thời gian vừa qua. Một phân tích của MSCI cho thấy, 5 cái tên kể trên đạt hết các tiêu chuẩn về vốn hóa, tính thanh khoản, và tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do của thị trường mới nổi (Emerging market). Thế nên, không loại trừ khả năng các công ty này sẽ lọt vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư Thị trường mới nổi sau sự kiện này.