Vốn ngoại sẽ giúp đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng
Về vấn đề này, trong bài phỏng vấn đăng trên báo Đầu tư chứng khoán ngày 2/10, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tỷ lệ nợ xấu ở quanh mức 10%, một vài ngân hàng thì ở ngưỡng 16% trong khi số khác thì không còn vốn. Việc giải quyết nợ xấu sẽ thể hiện khả năng cung cấp vốn phát triển cho doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Taylor, bước đầu tiên trong bất kỳ việc tái cấu trúc nào là “điểm mặt chỉ tên” nợ xấu và mở rộng những khả năng có thể xảy ra để có giải pháp đi kèm.
Theo ông Taylor, quan điểm gói các khoản nợ xấu vào một công ty mua bán nợ là xác đáng và cần một sự thống nhất về cách thức huy động vốn cho công ty mua bán nợ, để đơn vị này có tiền mua lại các khoản nợ xấu.
Ông Taylor cũng cho rằng, cần tìm những nhà đầu tư mới và khuyến khích họ cung cấp đủ vốn cho các ngân hàng được tái cấu trúc. Các ngân hàng còn lại và các ngân hàng đã được tái cơ cấu cũng sẽ phải nhanh chóng cải tạo hoạt động và hệ thống quản lý rủi ro kinh doanh để hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
"Việc cho phép các ngân hàng nước ngoài góp vốn nhiều hơn vào các ngân hàng trong nước có thể là cách nhanh nhất để bơm thêm vốn vào hệ thống ngân hàng và để phổ biến các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị kinh doanh và quản lý rủi ro cho các ngân hàng trong nước", ông Taylor nói.
Dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam 2012, ông Taylor cho biết, ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ vào khoảng 5%. Cán cân thương mại dường như ổn định. Tiền tệ duy trì ổn định. Ngân hàng này cũng nang mức dự báo lạm phát cả năm lên 8% sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng tới 2,2% so tháng trước.
Ông Taylor cũng cho rằng, NHNN có thể sẽ dừng việc cắt giảm lãi suất do lạm phát đã tăng trở lại.
Nguồn ĐTCK