Thứ Sáu | 25/01/2013 14:54

Vốn ngoại hẹp cửa mua nợ xấu

Công ty quản lý tài sản sắp ra đời, song “cửa” cho tham gia vẫn hẹp, dù nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến thị trường nợ Việt Nam.
Nhiều chuyên gia dự đoán, việc cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ sẽ được quy định cụ thể trong Đề án Xử lý nợ xấu và Đề án Thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (AMC). Đến nay, các đề án trên vẫn chưa được ban hành, dù theo yêu cầu của Chính phủ, ngay trong tháng 1/2013, Nghị định về tổ chức và hoạt động của công ty này phải được trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh nhiều nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, Việt Nam nên tận dụng nguồn vốn ngoại để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Nhiều ngân hàng cho rằng, mở rộng cửa mua nợ với nhà đầu tư ngoại sẽ giúp đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Du, Phó tổng giám đốc VietinBank khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, để mua lại ngân hàng yếu kém, khối ngoại là lực lượng tiềm năng nhất.

Dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN sẽ nới room cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan tại tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các ngân hàng nước ngoài tham gia quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, con số cụ thể chưa được công bố đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoài nghi.

Ông Tared Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam khẳng định, ANZ chỉ thực hiện mua cổ phần của ngân hàng nội khi NHNN nới room lên 100%, bởi chỉ khi sở hữu hoàn toàn ngân hàng nội, ANZ mới có thể thay đổi hoàn toàn cách quản trị để vực dậy ngân hàng đó.

Hơn nữa, dù vốn ngoại đang nhắm vào nhiều khoản nợ xấu ngân hàng, song để các khoản nợ này thực sự hấp dẫn, buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải rót hầu bao không phải là đơn giản.

Bà Chui Sum Lee, Giám đốc điều hành Công ty PricewaterhouseCoopers (PWC) tại Malaysia cho rằng, việc thành lập AMC, một trong những cách giải quyết nợ xấu của công ty mua bán nợ Malaysia là chứng khoán hóa khoản nợ và bán các khoản nợ này. Tuy nhiên, để các món nợ này trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư là không dễ. Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy, cách làm cho nợ xấu hấp dẫn là phải có sự đảm bảo của các tổ chức đáng tin cậy.

Một vướng mắc nữa cho việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, đa phần các khoản nợ xấu đều liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài không có quyền sở hữu bất động sản, mà chỉ được thuê. Do đó, để huy động được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường nợ Việt Nam, nên có quy định tháo gỡ vấn đề này trong nghị định tổ chức và hoạt động của AMC chuẩn bị ban hành.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện