Vốn ngân hàng đang chảy vào đâu?
Dù tín dụng tăng trưởng rất chậm trong những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng kêu ứ vốn, nhưng đến thời điểm 30/11/2014, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế đã tăng 10,22% so với cuối năm 2013. Mục tiêu tăng trưởng 12-14% cả năm không còn xa.
Vốn ngân hàng chủ yếu cho vay nhỏ lẻ
Trần lãi suất huy động từng bước được cắt giảm, tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, xem ra bài toán giải quyết thanh khoản đang dôi dư khi nhu cầu vốn của khu vực khách hàng doanh nghiệp không cải thiện nhiều. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng có mức tăng trưởng cao trong 11 tháng qua chủ yếu từ khối khách hàng cá nhân, vay nhỏ lẻ.
Sacombank là một điển hình, khi dư nợ tín dụng tăng trưởng tương đối khả quan trong 11 tháng đầu năm, với mức tăng gần 15%. Tuy nhiên, Sacombank cho biết, tín dụng tăng trưởng chủ yếu đến từ khối khách hàng cá nhân, chiếm hơn 50% tổng dư nợ của Ngân hàng. Một phần do Sacombank có nền tảng về bán lẻ và thế mạnh cho vay phân tán, mặt khác, do tình hình khó khăn, nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng mạnh, kể cả mùa cao điểm cuối năm và lãi suất cho vay doanh nghiệp giảm đáng kể. Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, nhu cầu vốn của những người có nhu cầu nhà ở dần tăng lên cùng với chiều hướng lãi suất và giá bất động sản giảm xuống.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện tại, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm đáng kể, phổ biến từ 8 - 10% /năm và về mức hợp lý hơn so với 2 năm trước đây. Tại Sacombank, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm còn 6,88%/năm trong 6 tháng đầu hoặc cố định lãi suất 8%/năm trong vòng 1 năm. Đây được xem là mức lãi suất phù hợp để cá nhân vay vốn mua nhà để ở. Vì thế, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân dần tăng lên, đẩy dư nợ tăng. Dư nợ tín dụng cá nhân vay mua nhà chiếm khoảng 15% tổng dư nợ cá nhân của Sacombank.
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ ANZ Việt Nam cũng cho hay, đối với ANZ, dư nợ tín dụng vay mua nhà luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dư nợ khối ngân hàng bán lẻ của ANZ. Đây cũng là mục tiêu ANZ đẩy mạnh tín dụng mua nhà.
Thực tế cho thấy, không chỉ với những ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ, mà với hầu hết các ngân hàng, cho vay phân tán mới có thể đẩy mạnh được dư nợ tín dụng trong thời gian qua. VPBank là một trong những trường hợp đó. Tín dụng VPBank tăng tới 34,8% trong 9 tháng đầu năm; trong đó, dư nợ các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ thông qua Công ty tài chính trực thuộc (FE Credit) đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng nhà băng này.
Hiện ngoài cho vay mua nhà, các nhà băng đang tranh thủ đẩy vốn cho vay tiêu dùng dịp cuối năm. Đơn cử, VIB đưa ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 0,86%/tháng (cố định đến 2,5 năm) dành cho cá nhân vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng…
Ông Rahn Wood, Giám đốc Ngân hàng bán lẻ VIB cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế là một động lực kích cầu tự nhiên cho người tiêu dùng. Đồng thời, sự phát triển của hệ thống ngân hàng và đa dạng hoá sản phẩm ngân hàng sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho cá nhân vay vốn tiêu dùng. Đây sẽ là điều kiện tốt để ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho khách hàng cá nhân trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, ở nhiều ngân hàng, đến thời điểm này khi năm tài chính 2014 gần đi qua, song tín dụng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái âm. Chẳng hạn, tại OCB, Eximbank, DongA Bank, dư nợ 9 tháng đầu năm được công bố tăng trưởng âm và lãnh đạo các nhà băng này cho biết, đến cuối tháng 11/2014 vẫn chưa mấy khả quan.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, mặc dù lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm khá sâu và không chỉ nhà băng lớn, mà ngay cả ngân hàng nhỏ muốn có khách hàng tốt cũng buộc giảm lãi suất xuống dưới cả trần huy động 5,5%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay bình quân của OCB hiện nay chỉ 2,1%/năm với cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, nhưng vẫn không dễ tăng trưởng được dư nợ, nhất là với khách hàng doanh nghiệp.
“Vì thế, không cần đến động thái giảm lãi suất của NHNN, mà ngay trước đó, các NHTM đã phải giảm lãi suất. Hiện các doanh nghiệp mạnh luôn có lợi thế trong thỏa thuận lãi vay”, ông Tùng nói.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu
Theo nhận định của các chuyên gia, việc hoàn thành mục tiêu tín dụng không quan trọng bằng chất lượng khoản vay.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, chỉ tiêu tín dụng đưa ra cho năm nay chỉ bằng năm ngoái nên việc đạt được không phải quá khó. Mặt khác, để có thể đạt mục tiêu tín dụng, các ngân hàng có thể ký hợp đồng thời điểm cuối năm, nhưng sang năm khách hàng mới sử dụng vốn. Việc tín dụng thường dồn “cục” vào tháng cuối năm, theo TS. Kiêm, chưa hẳn là điều tốt.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc tín dụng đạt mục tiêu kỳ vọng đưa ra không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Theo TS. Hiếu, không nên chạy theo chỉ tiêu tín dụng và cũng không quá kỳ vọng vào mục tiêu tín dụng tăng nhanh, mà quan trọng hơn chính là chất lượng khoản vay. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng phải đến được những địa chỉ đáng tin cậy, cụ thể là 5 lĩnh vực được ưu tiên.
“Nếu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trong tháng cuối cùng của năm, nền kinh tế phải tiêu thụ một lượng tiền lớn, trong khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng. Tín dụng tăng trưởng khoảng 10% là điều đáng mừng và hợp lý, không nên chạy theo chỉ tiêu nếu nhu cầu thực của thị trường không cao”, TS Hiếu cho biết thêm.
Trong khi đó, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM đánh giá, quý IV hàng năm, tín dụng thường tăng cao so với các quý trong năm. Cuối năm nay, ngoài yếu tố mùa vụ thì những nỗ lực từ phía NHNN như kéo giảm trần lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay cùng các tín hiệu tốt của nền kinh tế và nỗ lực đẩy vốn của các ngân hàng… Việc dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh 2 tháng gần đây, theo TS. Dương, cũng là điều bình thường.
Nhìn nhận về mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm tới, các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, có thể mục tiêu đưa ra của NHNN sẽ cao hơn năm nay, nhưng không nhiều, vì khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế chưa cải thiện đáng kể. Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% cho năm sau là hợp lý.
Nguồn Báo Đầu Tư