Vốn mới đang chảy vào công ty chứng khoán
Tính đến 17/1/2015, thống kê 100 công ty chứng khoán (CTCK) trên cả hai Sở GDCK chỉ có 10 CTCK có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng. Với tiềm lực hiện tại, áp lực tìm vốn mới để tăng tính chủ động trong kinh doanh với khối CTCK là rất lớn, nhất là khi thời điểm Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực đang đến gần.
Vào quý IV/2014, hai CTCK lớn nhất TTCK là HSC và SSI đã có bước tiến trước thị trường trong việc tìm nguồn vốn mới, tăng năng lực tài chính. Cụ thể, HSC công bố thông tin bổ sung nguồn vốn lưu động, với tổng hạn mức lên đến 1.400 tỷ đồng. SSI công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Ngoài ra, SSI dự kiến phát hành từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Ngoài 2 CTCK trên, một số CTCK có ngân hàng mẹ hậu thuẫn cũng nỗ lực tìm vốn mới. CTCK Techcombank được rót thêm 700 tỷ đồng từ Ngân hàng mẹ (Techcombank), đưa vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. CTCK VCBS lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng (hiện nay là 700 tỷ đồng).
Dòng vốn mới đến từ bên kia biên giới đang chảy vào 2 CTCK có vốn ngoại tại Việt Nam. CTCK KIS được “mẹ” (CTCK KIS Hàn Quốc) hậu thuẫn, vừa công bố việc tăng vốn từ hơn 263 tỷ đồng lên hơn 1.112 tỷ đồng. Điểm đáng nói, sau khi tăng vốn, KIS Việt Nam lên kế hoạch tham vọng: phấn đấu thị phần môi giới từ mức hơn 1% trong năm 2014 tăng lên hơn 3% trong năm 2015.
CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cũng vừa được nhận thêm nguồn vốn từ tập đoàn mẹ, nhưng mức độ từ tốn hơn KIS Việt Nam. Cụ thể, năm 2014, MBKE đã tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 615 tỷ đồng và ngày 15/1/2015 vừa qua, MBKE nhận quyết định từ UBCK cho phép tăng vốn điều lệ từ 615 tỷ đồng lên 829,110 tỷ đồng (tương đương 40 triệu USD). Đương nhiên, nguồn vốn cũng đến từ tập đoàn mẹ.
Hoạt động môi giới và margin có mối quan hệ song hành. Trong điều kiện thị trường giao dịch sôi động, CTCK không chỉ thu được nhiều phí môi giới, mà còn “gặt hái” được nhiều lợi nhuận từ cho vay margin.
Hiện nay, lãi suất margin trung bình vào khoảng 14 - 15%/năm, trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 8 - 10%/năm. Khoản chênh lệch trên là đáng mơ ước, đã làm nên bức tranh tươi sáng hơn về lợi nhuân ngành chứng khoán năm 2014.
Vì thế, khi dòng tiền từ ngân hàng chảy sang CTCK để cho vay margin có nguy cơ bị thắt lại, việc các CTCK quyết liệt tìm vốn mới là không thể khác, để duy trì khách hàng, duy trì hiệu quả kinh doanh.
Sau nhiều ngày giảm giá để phản ứng việc siết mạnh dòng tiền từ ngân hàng sang TTCK theo quy định tại Thông tư 36, nhà đầu tư trở nên bình tâm hơn và có vẻ sẵn sàng chấp nhận thực thi văn bản này. Khối ngoại và tự doanh CTCK đang mua ròng khá mạnh cho thấy, TTCK đã vượt qua giai đoạn tâm lý bi quan khi chịu tác động kép từ giá dầu rơi mạnh và Thông tư 36.
Với khối CTCK, “cái khó sẽ ló cái khôn”. Từ lúc không biết tìm đâu ra nguồn tiền mới để dần thay thế vốn vay ngân hàng, nhiều CTCK phải nỗ lực trang bị dòng vốn mới nếu muốn tồn tại. Năm 2015, vì thế, dự báo sẽ là năm khối CTCK “thay da, đổi thịt”, mà một trong những lý do đến từ chính áp lực phải thực thi Thông tư 36 đúng lộ trình.
Nguồn ĐTCK