Hạ tầng TP.HCM cần nguồn đầu tư lớn. Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Đức Thứ Hai | 15/11/2021 08:00

Vốn mồi cho đầu tàu TP.HCM

Bài toán nâng tỉ lệ giữ lại ngân sách để tăng nguồn vốn cho TP.HCM phục hồi kinh tế và tiếp tục giữ vai trò đầu tàu phát triển của cả nước.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, trong 2 năm ảnh hưởng bởi COVID-19, ước tính cả nước thiệt hại khoảng 7% GDP, tương đương 24 tỉ USD. Trong đó, riêng TP.HCM, mức thiệt hại trong 2 năm khoảng 12 tỉ USD.

Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực kinh tế tại TP.HCM giảm dần. Đồng thời, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, TP.HCM cũng triển khai các chính sách giảm, giãn thuế theo quy định. Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm. Trong 2 năm qua, TP.HCM cũng giảm khoảng 70.000 tỉ đồng thu ngân sách. 

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, việc thu ngân sách trong 2 tháng gần đây sụt giảm sâu so với cùng kỳ và những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh lên các hoạt động kinh tế đang đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề cho ngành tài chính nói riêng và TP.HCM nói chung. “Khả năng hụt thu ngân sách cuối năm là rất lớn, nếu không bảo đảm số thu trong quý IV”, bà Hà nhấn mạnh.

 

Khó khăn này khiến bài toán thiếu vốn của TP.HCM càng khó giải. Lãnh đạo TP.HCM cũng chỉ rõ, thành phố đang đối diện với hàng loạt thách thức lớn, đặc biệt là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng. Nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của thành phố. Ước tính tổng vốn đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025 tại TP.HCM là hơn 716.000 tỉ đồng nhưng ngân sách địa phương chỉ lo được 142.500 tỉ đồng.

Vì vậy, một lần nữa TP.HCM có đề xuất Trung ương xin tăng tỉ lệ giữ lại ngân sách thuộc thu nhóm 3. Nhóm này gồm 5 nhóm thuế: VAT, thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt (không tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng nhập khẩu); thuế bảo vệ môi trường (không tính thuế bảo vệ môi trường từ hàng hóa nhập khẩu)...

 

Trong phần kiến nghị Thủ tướng về Đề án Điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025, TP.HCM nhiều lần kiến nghị việc tăng tỉ lệ giữ lại theo hướng trong 10 năm 2020-2030 cần nâng từ 18% lên 33%, tương đương 15% nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu cả nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM luôn dẫn đầu, chiếm tới 25,48% tổng thu cả nước, theo số liệu năm 2020, nhưng tình trạng bội chi kéo dài. Trước đây, tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách. Cụ thể, tỉ lệ điều tiết của TP.HCM giai đoạn 2011-2016 là 23% nhưng đến giai đoạn 2017-2020 là 18%. Tỉ lệ này dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu về đầu tư phát triển, an sinh xã hội và các mặt khác. Trong khi đó, vị trí đầu tàu cả nước của TP.HCM trước tiên thể hiện ở tỉ trọng đóng góp của kinh tế TP.HCM ngày một tăng lên. Giai đoạn 1996-2000, kinh tế TP.HCM chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước; giai đoạn 2001-2010 là 20%, đến giai đoạn 2011-2019 là hơn 22%.

Việc nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách sẽ giúp tăng nguồn lực ngân sách cho thành phố để đầu tư phát triển, nhất là những dự án cơ sở hạ tầng lớn. Đây sẽ là nguồn vốn mồi để thu hút dòng vốn tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia dưới hình thức PPP (đối tác công tư)... Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, đầu tư công có vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế. Riêng tại TP.HCM, theo các chuyên gia tính toán, 1 đồng vốn đầu tư công của TP.HCM thu hút 10 đồng vốn đầu tư xã hội.

“Với 1% để lại tăng thêm, ngân sách TP.HCM có thêm 2.000 tỉ đồng, gọi thêm vốn xã hội được 18.000-20.000 tỉ đồng và cả trăm ngàn tỉ đồng nếu tỉ lệ điều tiết lại cho TP.HCM tăng lên 23%”, Giáo sư Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho biết. Khoản ngân sách này trước mắt giúp thành phố giải quyết được những vấn đề bức xúc nhất về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hiện nay, trước khi tiến tới các mục tiêu đưa thành phố trở thành siêu đô thị, vùng động lực kinh tế kết nối khu vực phía Nam.