Ổn định vĩ mô không chỉ đơn thuần là lạm phát, mà còn rất nhiều vấn đề như nợ xấu, sự biến động của thị trường bất động sản, tài chính. Ảnh: Quý Hoà.

 
Thuỷ Cúc Thứ Hai | 26/12/2022 17:00

Vốn ít, tăng trưởng cao

Vấn đề đặt ra cho kinh tế Việt Nam năm 2023 là làm sao tạo ra giá trị gia tăng cao hơn với nguồn vốn ít ỏi.

Những ngày cuối năm Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho ra một báo cáo không vui khi triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành không mấy khả quan do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao. Đây là điều đáng buồn vì nhiều năm qua, dệt may luôn là ngành xuất khẩu chủ lực với kim ngạch 42-43 tỉ USD.

Thời vốn để tăng năng suất đã qua

Không chỉ ngành dệt may, báo cáo của Bộ Công Thương nhận định, lạm phát tăng nhanh tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đơn hàng trong nhiều lĩnh vực đã giảm thấy rõ. Ngành dệt may, điện thoại, giày dép... đều chưa đủ đơn hàng 2 tháng cuối năm 2022, tỉ lệ mất giá của VND so với USD trong xu hướng mất giá chung càng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia...

“Ổn định vĩ mô không chỉ đơn thuần là lạm phát, mà còn rất nhiều vấn đề như nợ xấu, sự biến động của thị trường bất động sản, tài chính...”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định.

Nhìn trên khía cạnh này, rõ ràng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Những tháng cuối năm 2022, thanh khoản của nền kinh tế có dấu hiệu suy kiệt, lãi suất huy động và cho vay tăng cao, nhiều doanh nghiệp bắt đầu rơi vào tình trạng mất thanh khoản, thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu...

 

Thực tế, rào cản lớn nhất nhiều năm qua khiến kinh tế chưa bứt phá được là chưa có sự thay đổi đột phá liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao. Nền sản xuất vẫn dừng lại ở phân khúc giá trị thấp nên tăng trưởng chưa hết tiềm năng. Khó khăn đã làm cho điểm yếu này bộc lộ rõ nét và khoét sâu vào khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, theo ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, tổng nguồn vốn khu vực tư nhân đã tăng mạnh mẽ trong thập niên vừa qua, cho thấy sự lớn mạnh về nguồn lực của khu vực này. Nếu năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP, cho thấy khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn.

“Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn như vậy nhưng tốc độ tăng năng suất lao động liên tục giảm, sự đóng góp của năng suất vào GDP cũng giảm theo. Đây là điều cần phải đảo ngược, thay đổi để giúp doanh nghiệp vượt sóng”, ông Bình nhận định.

“Thời kỳ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua rồi. Khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực khác để đóng góp cho gia tăng sản lượng, gia tăng tăng trưởng như công nghệ và nguồn nhân lực, để có thể tiếp tục phục hồi và phát triển trong năm 2023”, ông nói thêm.

Thời điểm tái cấu trúc

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Vitas, cũng chia sẻ, trong bối cảnh đơn hàng dệt may sụt giảm cũng có thể xem đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, đón đầu thị trường dệt may thế giới ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

“Giai đoạn định hướng phát triển nhanh của ngành dệt may Việt Nam đã qua. Từ nay đến năm 2030, ngành chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới”, ông Cẩm cho biết.

 

Một điển hình trong chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ là câu chuyện của Công ty Scansia Pacific, chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ nội thất. Đây là một trong số rất ít doanh nghiệp có được thành công bước đầu sau khi tham gia chuyển đổi số. Câu chuyện bắt đầu từ 10 năm trước, khi ông Nguyễn Hoài Bảo mới về nước, vào làm việc tại công ty gia đình. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kiểm soát sự đồng bộ nhanh chóng, chính xác nhất, đồng thời kiểm soát chi phí trong sản xuất. Nhờ chuyển đổi số, ngày trước Công ty có 1.200 công nhân, doanh số 15.000-20.000 USD/tháng, thì giờ lượng công nhân tăng lên 1.700 người nhưng doanh số tăng 3 lần, ông Bảo chia sẻ.

Từng doanh nghiệp đang chuyển mình để có thể khai thác tối đa các FTA. Ảnh: Quý Hoà.
Từng doanh nghiệp đang chuyển mình để có thể khai thác tối đa các FTA. Ảnh: Quý Hoà.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông), cũng cho rằng, những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số khi gặp khủng hoảng, họ cũng suy yếu nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn và sau khủng hoảng họ đã lấy lại tốc độ tăng trưởng với tỉ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu cao hơn.

Hiện Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), có những hiệp định thương mại chiếm đến 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Từng doanh nghiệp đang chuyển mình để có thể khai thác tối đa các FTA. Bên cạnh đó, thị trường nội địa gần 100 triệu dân sẽ là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Do đó, ngay từ lúc này, cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước.