Chủ Nhật | 30/03/2014 15:09

Vốn FDI vào Việt Nam giảm 50%, cảnh báo thành hiện thực?

Quý I, cả nước ước thu hút hơn 3,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 50% so với năm ngoái.

Cụ thể, trong khi quý I/2013, cả nước thu hút được 2 tỷ USD từ dự án Samsung tại Thái Nguyên, 2,8 tỷ USD từ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng vốn. Cùng kỳ năm nay, dự án lớn nhất chỉ là 225 triệu USD của nhà đầu tư Canada, hoặc việc tăng vốn đầu tư thêm 210 triệu USD của Nhật Bản cho dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện tại Bình Dương.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, nguyên nhân khiến vốn FDI đăng ký mới giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là do vắng các dự án lớn.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng thống kê, có 252 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD và 82 dự án tăng vốn, đạt gần 1,3 tỷ USD.

Quý I, cả nước ước thu hút hơn 3,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 50% so với năm ngoái.
Quý I, cả nước ước thu hút hơn 3,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 50% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, giải ngân vốn FDI quý đầu năm sáng sủa hơn khi có 2,85 tỷ USD đã được rót cho các dự án, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.

Vừa qua, báo cáo của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho thấy, năm 2013, trong số các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia và Lào... thay vì con số 32% như thời điểm năm 2011, năm 2012.

Đặc biệt, các nhà đầu tư nước người được khảo sát cũng xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá là hơn 2 nước này.

Ông Trần Hữu Huỳnh - nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lý giải thêm: “Chúng ta cũng có quá nhiều quy định, quy định càng nhiều, độ tự do kinh doanh và vấn đề thực thi quy định càng kém.

Mong muốn của chúng ta là có nhiều quy định để tuân thủ pháp luật nhưng thực chất họ không hài lòng vì để thực thi quy định đó sẽ mất nhiều thời gian thực hiện, mất nhiều chi phí, nhân lực để thực hiện và quan trọng là càng nhiều quy định càng tạo điều kiện cho tham nhũng khi giám sát không tốt. Đây là mối quan hệ hữu cơ giữa tham nhũng và số lượng quy định và dịch vụ thực hiện quy định".

Trả lời câu hỏi liệu Campuchia và Lào có thể "vượt mặt" Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài hay không, nếu có thời gian có thể là bao lâu, ông Trần Hữu Huỳnh cho biết, việc này còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác như chất lượng nhân lực, mức độ quy mô của nền kinh tế Việt Nam, quy mô sản xuất trong một số lĩnh vực...

"Cảnh báo đây cho thấy môi trường không tốt, anh đã từng cải thiện nhưng vẫn không tốt nhất là trong cạnh tranh nhưng không có nghĩa là ngay ngày mai các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển đi hết mà còn các yếu tố khác nhưng vẫn là sự báo động", ông Huỳnh nói.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay gánh nặng quy định là những điều đáng chú ý đòi hỏi Việt Nam cải thiện các chỉ tiêu này nếu không Campuchia, Lào sẽ vươn xa hơn và Việt Nam sẽ phải trả giá.

"Rất có thể thời gian tới đây họ sẽ chuyển sang đầu tư Lào, Campuchia và điều này đang diễn ra rồi do giá đất ở Campuchia, Lào thấp hơn và thủ tục đỡ phiền hà hơn nhiều so với Việt Nam. Việt Nam cần có sự cải thiện nghiêm túc", TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện