Thứ Tư | 18/06/2014 14:26

Vốn đầu tư quốc tế hướng vào Việt Nam

Tình hình kinh tế cải thiện, tín dụng và hệ thống ngân hàng ngày càng tốt hơn, Việt Nam sẽ tiếp tục hút đầu tư nước ngoài, cả trực và gián tiếp.
Vùng trũng

Những căng thẳng trên Biển Đông hầu như không khiến các nhà đầu tư nước ngoài nao núng. Ông Jean Eric Jacquemin, CEO Jade River Management – nhà quản lý Quỹ Red River Holding với tổng giá trị danh mục cổ phiếu đang sở hữu tại Việt Nam là 253 triệu USD, khẳng định: “Những căng thẳng này chẳng ảnh hưởng gì đến hoạt động của chúng tôi. Red River Holding có chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam và chúng tôi tin tưởng vào câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam”.

Theo ông Jean, vấn đề ông quan tâm lúc này là tập trung làm việc với các doanh nghiệp mà Red River Holding đang sở hữu cổ phiếu để nâng cao hiệu suất và củng cố các yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp này.

Ông Kevin Snowball, CEO PXP Vietnam, trong lần trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư gần đây, cũng cho rằng, sẽ không có gì xảy ra khiến cho tình hình tồi tệ thêm. Có ít nhất 2 lý do để nói Việt Nam là vùng trũng: thứ nhất là các yếu tố kinh tế cơ bản tốt và Chính phủ quyết tâm cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ và thứ hai là giá tài sản đầu tư tại đây đang rất rẻ.

Điều này được ông Thomas Hugger, CEO Asia Frontier Capital (AFC, có trụ sở tại Hồng Kông) chia sẻ: “Khi lựa chọn thị trường để đầu tư, chúng tôi không chỉ nhìn vào tiềm năng của thị trường đó, mà còn nhìn vào tính hấp dẫn của giá cổ phiếu và điều kiện kinh tế vĩ mô tổng thể”.

Về vĩ mô, ông Jean nói: “Chúng tôi tin rằng, sự phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra với những tín hiệu như tăng trưởng GDP, lạm phát thấp và sự xuất hiện trở lại của thặng dư thương mại. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng ngày càng tốt hơn và điều này sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán”.

TS. Christian Kamm, Chủ tịch Kamm Investment Inc. – công ty tư vấn đầu tư của Mỹ có trụ sở tại TP.HCM, có cùng quan điểm, thậm chí còn tích cực hơn rất nhiều. Ông cho biết, nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Khó có thể đưa ra lý do để cho rằng, Việt Nam không xứng đáng nằm trong danh sách các điểm đến đối với nhà đầu tư quốc tế.

“Với tình hình kinh tế cải thiện mỗi ngày, tín dụng và hệ thống ngân hàng cũng ngày càng tốt hơn, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Khó có thể tìm được những điều kiện đầu tư gần như lý tưởng như những gì Việt Nam đang có”, ông Christian nói.

Về giá tài sản đầu tư, theo ông Jean, nếu so với các thị trường khu vực thì chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn. Đây là cơ hội tốt để mua và đối với nhà đầu tư nước ngoài thì đây là thời điểm tốt để tham gia hoặc củng cố vị trí của họ trên thị trường. Việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong năm 2013 và từ đầu năm 2014 đến nay là một tín hiệu cho thấy niềm tin của họ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, TS. Marc Faber - chiến lược gia nổi tiếng thế giới, người sẽ đến làm diễn giả chính tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) diễn ra vào ngày mai (19/6) – còn cho rằng, chứng khoán Việt Nam không hề đắt, nếu không muốn nói là rẻ một cách khó tin.
Cơ hội không đến nhiều lần

Những nhận định trên là minh chứng sống động về niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến của các dòng vốn quốc tế, đặc biệt khi các dòng vốn này có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các thị trường mới nổi trước những dự báo rằng, bong bóng tài sản tại các nền kinh tế phát triển ngày càng lớn và sắp vỡ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn mong đợi nền kinh tế sẽ tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn. “Kinh tế ổn định và ngày càng tốt lên, nhưng chúng tôi mong thấy Chính phủ hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn về các vấn đề đang được quan tâm như nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, khả năng tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Kevin nói.

Theo ông Jean, thanh khoản thấp, số công ty niêm yết có vốn hoá nhỏ ngày càng nhiều, sự thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức trong nước với tầm nhìn dài hạn… là những vấn đề cần được tiếp tục giải quyết để tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù các cơ quan chức năng đã rất cố gắng trong việc cải thiện tính minh bạch, nâng cao năng lực quản trị và đảm bảo đối xử bình đẳng giữa các cổ đông, nhưng việc bảo vệ lợi ích cho các cổ đông thiểu số vẫn khá hạn chế, nhất là khi có xung đột xảy ra.

Ngày mai, sẽ có nhiều nhà đầu tư quốc tế đến tham dự VIF 2014. Đây là cơ hội mà các doanh nghiệp muốn tìm kiếm đối tác nước ngoài không thể bỏ qua. Sẽ có những tên tuổi lớn trên các thị trường tài chính thế giới, nhưng còn khá mới đối với Việt Nam như Carlyle Group, Eric Kraus và Sniper Capital.

còn quy tụ đông đảo các quỹ đầu tư và các nhà quản lý tài sản đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam như VinaCapital, Dragon Capital, PXP Vietnam, Red River Holding, AFC, Jaccard, Tael Partners, Eastspring Investments, Orix Investment and Management Private Ltd., SC Capital Partners, Vietcombank Fund Management, SSI Asset Management, VietCapital Asset Management, Vietnam Investment Group, VinaFund, Bao Viet Fund Management và An Binh Fund Management.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tư vấn đầu tư và tài chính cũng sẽ có mặt tại sự kiện này như Kamm Investment, Baker & McKenzie, Mayer Brown JSM, YKVN Lawyers, Gide Loyrette Nouel, Deloitte Vietnam và ASEAN Strategy Group.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện