Trung tâm thương mại Takashimaya. Ảnh: Quý Hòa
Vốn đầu tư Nhật đổi dòng
Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư ngoại từ Thái, Hàn và Nhật. Các nhà đầu tư Nhật cũng không muốn chậm chân trong cuộc đua này với tư duy M&A đang dần thay đổi đáng kể.
Nhỏ nhưng nhanh hơn
Năm 2017, tổng kết lại các thương vụ M&A từ Nhật đến Việt Nam không tăng nhiều so với những năm trước. Sự ổn định của dòng vốn đầu tư gián tiếp nằm ở con số, nhưng chất lượng và đích đến, và cách đến đã có nhiều thay đổi.
Trong vài năm trở lại đây, người Nhật đã thay đổi cách thức rót vốn vào Việt Nam, không còn chậm chạp như trước. Một thương vụ điển hình là Tập đoàn Saison (Nhật) chi 49 triệu USD để mua 49% cổ phần của công ty tài chính ngân hàng HDBank vào năm 2015. Với ông Msataka Sam Yoshida, Giám đốc Điều hành cấp cao của Recof, đây là thương vụ thú vị không phải vì Recof là đơn vị tư vấn, mà là vì lần đầu tiên ông thấy một tập đoàn lớn niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật lại có quyết định nhanh đến như thế.
Người Nhật vốn tính cẩn trọng, việc rót vốn đầu tư lại càng cần thời gian hơn. Rồi đến cuối năm 2017, Tập đoàn Saison đã đầu tư tiếp vào HDBank khi ngân hàng này lên sàn, giá trị thương vụ chưa được tiết lộ. Nhưng với Công ty Tài chính HD Saison, ông Msataka Sam Yoshida đánh giá đây là thương vụ thành công. “Credit Saison thành công nhờ gia nhập đúng thời điểm, cưỡi đúng ngọn sóng tăng trưởng”, ông nói.
Sau Saison, đến cuối năm 2017, có thêm Tập đoàn Shinsei rót vốn vào công ty tài chính của Ngân hàng Quân Đội, cũng mua với tỉ lệ 49%. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên mà người Nhật đi trước người Hàn, điều thường trái ngược so với những ngành khác, khi mãi đến đầu năm 2018, Lotte mới mua lại Techcombank Finance, còn Shinhan Bank mua Prudential Finance.
Nhưng thực ra trước đó, người Nhật cũng đã nhắm đến thị trường tài chính tiêu dùng Việt từ lâu, khi các tập đoàn lớn tăng cường mua vào cổ phần của các ngân hàng nội địa trong nước, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Bên cạnh đó, cũng có thể nhận thấy số lượng công ty Nhật quan tâm đến thị trường Việt Nam ngày càng tăng lên, đặc biệt là các công ty có quy mô nhỏ và trung bình.
“Những công ty lớn của Nhật thường có có tiếng nói chung về việc thu thập thông tin và ra quyết định. Những doanh nghiệp lớn đã có mặt ở Việt Nam, nếu không trụ lại được thì cũng đã tính đường quay về. Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều công ty Nhật nhảy vào đầu tư nhiều hơn, nhưng có quy mô nhỏ hơn trước”, ông Yoshida nhận định. Ông Yoshida cho biết, rõ ràng, các công ty Nhật ngày nay cần quyết nhanh để tiến nhanh vào thị trường, thay vì quy mô các tập gặp trở ngại vì vấn đề quản trị. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật có quy mô trung bình muốn bắt đầu quá trình quốc tế hóa hoạt động kinh doanh.
Sức hút từ thị trường “100 triệu dân”
Nhiều năm gần đây, M&A từ Nhật trở nên phổ biến hơn trên rất nhiều lĩnh vực. Việt Nam hấp dẫn vì tăng trưởng GDP tiếp tục cao, dân số đông, các quy định về thương mại, đầu tư dần được nới lỏng, đặc biệt là khi quốc gia này tham gia nhiều hơn vào các Hiệp định thương mại. Tuy nhiên, theo ông Yoshida, đích đến của người Nhật sẽ là nền kinh tế tiêu dùng.
“Theo xu hướng dòng vốn chảy từ các quốc gia phát triển về các nước mới nổi, theo lý thuyết, dòng tiền sẽ chảy đầu tiên vào lĩnh vực sản xuất để tận dụng nhân công giá rẻ của quốc gia đó. Tuy nhiên, khi lợi thế này dần biến mất và thị trường tiến đến mốc trở thành thị trường tiêu dùng, nhà đầu tư sẽ nhắm đến người tiêu dùng nhiều hơn là việc trở thành “cứ địa” sản xuất, theo ông Yoshida lý giải.Việt Nam được định danh là thị trường tiêu dùng của “100 triệu dân”. Trong khi thống kê của Nielsen vào quý I/2018 cho thấy số điểm khảo sát về sự lạc quan của người tiêu dùng đã lên mức cao nhất trong thập niên.
Số lượng thương vụ M&A từ Nhật đến các nước ASEAN |
Quan sát cho thấy rằng hiện tượng các nhà đầu tư Nhật dồn tiền vô nền kinh tế tiêu dùng Việt Nam là có thật, đặc biệt là trong mảng bán lẻ, rồi tài chính tiêu dùng. Nhưng điều này liệu có đúng khi các nhà đầu tư Nhật mạnh tay đổ tiền vào bất động sản trong 2 năm gần đây?
Lý giải về điều này, theo ông Yoshida, những sản phẩm bất động sản mà người Nhật đầu tư, đều dành cho người tiêu dùng cuối cùng, không phải phục vụ cho dân đầu tư. Vì vậy, cũng có thể xem đích đến cuối cùng của các nhà đầu tư Nhật vẫn là thị trường tiêu dùng Việt. Người Nhật vẫn thích bất động sản Việt, nhưng giá trị đất quá cao, kéo theo tỉ suất lợi nhuận thấp là rào cản ngăn luồng tiền từ Tokyo về Hà Nội hay TP.HCM. “Mua bất động sản ở Tokyo vẫn dễ hơn ở TP.HCM dù đắt hơn gấp 4 lần”, ông Yoshida nói.
Thực tế, Nhật không phải là quốc gia duy nhất hướng đến nền kinh tế tiêu dùng Việt Nam. “Đối thủ” của Nhật cũng không chỉ là Hàn Quốc, mà còn cả Thái Lan. Hàng loạt các thương vụ đầu tư có dòng vốn xuất phát từ thị trường Đông Nam Á nói chung đang chảy về những mảng sản xuất tiêu dùng, thực phẩm như Sabeco, Masan, hay các hệ thống phân phối như Big C, Metro, Nguyễn Kim… Lâu nay, thị trường Việt Nam vốn hấp dẫn và quen thuộc với người Nhật, có tiềm năng và ổn định chính trị. Đây là những điểm thu hút dòng vốn đổ về.
“Hàn Quốc và Nhật hiện là 2 quốc gia hiện diện và đầu tư nhiều ở Việt Nam, đều có sự tương đồng về văn hóa, địa lý gần gũi và nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân”, ông Yoshida nói, “nhưng các nhà đầu tư Nhật đang phải chạy đua để theo kịp Hàn Quốc”.