Thứ Hai | 24/03/2014 11:21

Vốn đầu tư gián tiếp vẫn đổ vào Việt Nam

Đại diện các quỹ đầu tư nước ngoài nhận định, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vẫn tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, nhà đầu tư chỉ được thực hiện bằng VND và điểm đáng chú ý là, số dư trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài có thể được chuyển sang thanh toán bằng VND, nhưng không được chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng…

Quy định này được các chuyên gia tài chính - tiền tệ trong và ngoài nước đánh giá là sẽ không ảnh hưởng đến dòng vốn FII.

Ông Kyung Hee Oh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, Thông tư số 05/2014/TT-NHNN sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn gián tiếp, bởi phần lớn nguồn vốn này đổ vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu hoặc các loại hình đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao khác, thông qua các quỹ đầu tư.

"Trong khi chờ giải ngân vào các dự án đầu tư, các quỹ đầu tư này thường để lượng tiền mặt nhàn rỗi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất, nhưng thường là ngắn hạn. Vì thế, theo tôi, Thông tư 05/2014/TT-NHNN sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam", ông Kyung Hee Oh nhận xét và cho rằng, việc thu hút FII vào Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán, tình hình kinh tế vĩ mô (lạm phát, tăng trưởng GDP, tỷ giá hối đoái…) trong thời gian tới, chính sách mở cửa, ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài, chứ chưa hẳn vì lý do trên.

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thu hút được khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Kyung Hee Oh, so với các thị trường khác trong khu vực, thị trường Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố chính, như Chính phủ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng thanh khoản bằng cách khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hạ thêm lãi suất điều hành... Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa giảm trần lãi suất huy động xuống 6%/năm, nới lỏng quy định sở hữu bất động sản dành cho người nước ngoài, đẩy mạnh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà xã hội… để kích thích tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các chỉ tiêu tài chính và tiền tệ được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm… đã hỗ trợ tích cực cho tâm lý của nhà đầu tư.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh cung tiền ra thị trường một cách gián tiếp thông qua trái phiếu do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành. Bên cạnh đó, dự kiến, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong năm nay sẽ là cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư… tạo động lực tăng trưởng dài hạn.

Cùng chia sẻ về triển vọng lạc quan trên, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng từ 10 đến 15% năm nay, mà các cổ phiếu vẫn giữ được mức giá hợp lý. Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm giảm dần sẽ khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn, trong đó có chứng khoán. Lãi suất thấp cũng là tín hiệu tốt cho tăng trưởng tín dụng.

"Vì vậy, đây cũng là tin tốt lành cho nhà đầu tư cổ phiếu. Mặt khác, lãi suất huy động thấp sẽ giúp việc hồi phục thị trường nhà đất", ông Chris Freund nói và cho rằng, vốn FII sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, bởi Việt Nam vẫn có đủ những tín hiệu tích cực cho thị trường để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.

"Trong năm nay, bên cạnh việc có thể sẽ bán thêm 3-4 khoản đầu tư cũ, Mekong Capital cũng có kế hoạch cho các khoản đầu tư mới", ông Chris Freund nói.

Nhìn chung, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 05/2014/TT-NHNN sẽ không ảnh hưởng đến dòng vốn FII.


Nguồn Đầu tư


Sự kiện