Vốn Đài Loan chảy mạnh
Vài năm gần đây, Việt Nam không chỉ đón nhận làn sóng đầu tư từ Nhật, Hàn Quốc, trung quốc hay Thái Lan. Vùng lãnh thổ Ðài Loan tuy nhỏ bé, nhưng cũng đã ồ ạt rót vốn và kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Thương hiệu Đài lấn át
Chiếc Luxgen 7 SUV, thuộc dòng xe sang của Đài Loan được triển lãm tại Việt Nam vừa qua, là một chiếc xe hội tụ đủ “đồ chơi” công nghệ cao cấp và gây nhiều hứng thú cho khách tham quan. Không chỉ có xe hơi, công nghệ sản xuất điện thoại, máy tính của xứ Đài cũng phát triển rất mạnh.
Lý do rất đơn giản. Bởi từ trước đến nay, các công ty Đài Loan đã quen với việc sản xuất máy nghe nhạc, máy tính xách tay và điện thoại di động theo thiết kế kỹ thuật từ những khách hàng như Apple, HP hay Motorola. Các tập đoàn phương Tây sau đó chỉ việc gắn thương hiệu vào những thiết bị này và bán cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công nghệ Đài Loan đã qua rồi thời ẩn mình làm gia công. Sau khi nắm được công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp xứ Đài đã tự mình bước ra thương trường với nhiều sản phẩm “làm mưa làm gió” khắp thế giới và dần chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Những cái tên quen thuộc như HTC, Acer hay Asus đều có nguồn gốc từ Đài Loan.
HTC là điển hình cho sự bứt phá này. Chính họ đã phát triển được những chiếc điện thoại di động thông minh đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android của Google. Dù đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, nhưng tính đến quý III/2015, điện thoại của HTC vẫn chiếm 2% thị phần thế giới.
Còn Asus (tiền thân là Asustek), với sản phẩm Eee PC, đã góp phần khơi mào cho dòng sản phẩm máy tính cá nhân netbook. Ðến nay, hầu hết các hãng máy tính lớn trên thế giới đều đã cho ra đời những sản phẩm tương tự. Đứng đầu tại thị trường Đài loan, Asus đã vươn ra thế giới và chiếm thị phần không nhỏ tại Việt Nam. Những năm gần đây, máy tính Asus thường xuyên chiếm thị phần thứ 2, thứ 3 tại Việt Nam.
Trong khi đó, với khả năng sản xuất ra những chiếc máy tính có chất lượng tốt mà giá bán lại rẻ hơn các đối thủ khác, hãng Acer đã trở thành đối thủ của Dell và HP, 2 hãng máy tính lớn nhất nhì thế giới. Còn ở Việt Nam, tuy không “hoành tráng” bằng người đồng hương Asus, nhưng Acer cũng đang đứng vị trí thứ 5 với 4% thị phần máy tính cá nhân.
Gia tăng đầu tư sản xuất
Không chỉ đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam, người Đài còn đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất tại đây. Tận dụng cơ hội từ TPP, cuối tháng 9 vừa qua, một hãng sản xuất điện thoại lớn của Ðài Loan là Compal vừa xác nhận đã quyết định quay lại tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục đầu tư vào dự án sản xuất điện thoại thông minh, vốn dở dang từ cuối năm 2007.
Cụ thể, Compal từng được cấp chứng nhận đầu tư 500 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất máy tính xách tay tại tỉnh Vĩnh Phúc và dự kiến đến năm 2013, công suất tại nhà máy này sẽ chiếm 50% tổng công suất toàn cầu của Compal. Nhưng do khủng hoảng kinh tế, dự án này đã bị đình trệ từ đó đến nay.
Mới đây, theo Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Vincent Lee của Compal Việt Nam cho biết sau nhiều năm bỏ không dự án, công ty này đang khẩn trương sửa chữa lại hệ thống nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, dây chuyền máy móc, làm việc với một số địa phương trong, ngoài tỉnh để tuyển dụng lao động. Tất cả nhằm chuẩn bị đón những khách hàng thế giới đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất điện thoại thông minh tại Vĩnh Phúc.
Không chỉ rót vốn ở lĩnh vực công nghệ, Ðài Loan còn tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất trong nhiều ngành nghề khác. Gần đây nhất là dự án nhà máy giấy của Cheng Loong Bình Dương (thuộc Tập đoàn Cheng Loong), có tổng mức đầu tư lên tới 22.700 tỉ đồng. Đây chính là dự án FDI lớn nhất được công bố tại Bình Dương từ đầu năm đến nay. Dự kiến, dự án này sẽ cung cấp giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng ra thị trường vào năm 2018.
Còn Công ty dệt may Eclat Textile của Đài Loan (chuyên gia công cho Nike và Adidas) cũng quyết định đầu tư thêm 50 triệu USD để gia tăng công suất sản xuất tại Việt Nam. Đây là một phần trong chiến lược phát triển của Eclat Textile nhằm tận dụng cơ hội khi TPP sắp chính thức có hiệu lực. Công ty này sẽ rót 40 triệu USD vào nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu và 10,5 triệu USD cho nhà máy ở Đồng Nai. Hai nhà máy sẽ được khởi công vào đầu năm 2016.
Cũng ở lĩnh vực dệt may, Tập đoàn Dệt may Tân Thế kỷ Viễn Đông (FENC), một trong những nhà sản xuất vải dệt lớn của Đài Loan, sẽ đầu tư 320 triệu USD để xây thêm một nhà máy sản xuất tại Bình Dương. Nhà máy này sẽ giúp FENC mở rộng công suất tại Việt Nam, khép kín quy trình từ sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm vải đến gia công quần áo và đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” của TPP. Năm 2014, tổng doanh thu toàn cầu của FENC đạt 7,8 tỉ USD.
Chọn đặt nhà máy tại Việt Nam, những doanh nghiệp gốc Ðài đang cạnh tranh khách hàng với các nhà máy dệt may của Việt Nam khi TPP có hiệu lực. Với công suất lớn và lợi thế nhân công giá rẻ, lại hưởng mức thuế như các doanh nghiệp Việt, chắc chắn người Đài sẽ thu hút không ít khách hàng từ tay doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Theo Báo cáo từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng qua, Đài Loan có 103 dự án cấp mới và 51 lượt điều chỉnh vốn đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 1,11 tỉ USD. Trong đó, dòng vốn chủ yếu đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo với 890 triệu USD. Tiếp đến là lĩnh vực xây dựng với giá trị vốn 130 triệu USD. Các dự án của xứ Đài hiện chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, có tổng đăng ký 1,06 tỉ USD. Còn lại là các dự án liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Mai Hân