Vốn cho dự án lọc dầu Bình Định có thể tới 30 tỷ USD
PTT đã chọn công ty McKinsey tư vấn quản lý chiến lược dự án; Foster Wheeler tư vấn về kỹ thuật, phác thảo sơ bộ thiết kế nhà máy, công ty IHS với nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới về lĩnh vực lọc, hóa dầu tư vấn về thương mại, nguồn dầu thô đầu vào, sản phẩm đầu ra.
Sau khi hoàn tất nghiên cứu khả thi chi tiết về kỹ thuật, công nghệ, thương mại, cuối năm nay PTT tiếp tục lựa chọn nhà thầu tư vấn tài chính. Nhà đầu tư cũng đang xúc tiến lập dự án đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng dự án đến kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Theo ông Sukrit, sau khi hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi chi tiết, Chính phủ Việt Nam phê duyệt, PTT tiếp tục chuyển sang giai đoạn hoàn tất thiết kế kỹ thuật tổng thể, thiết kế chi tiết - mua sắm - xây dựng để khởi công xây dựng. Dự án xây dựng khoảng 5 năm, dự kiến đến năm 2020 Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội đưa vào hoạt động.
Trước lo lắng về nguồn dầu thô cho dự án, ông Sukrit lý giải: "Hiện nay trên thế giới có nhiều công ty chuyên kinh doanh dầu thô khá phổ biến, mỗi năm chúng tôi có thể đàm phán giá cả để mua dầu thô dễ dàng. Đội tàu chuyên dụng của PTT có thể chở cùng lúc 2 triệu thùng cung ứng cho Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội nên hoàn toàn có sức cạnh tranh so với những nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ trong khu vực", ông nói
PTT cho biết chọn Bình Định để đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu là do nơi đây có mặt bằng rộng đến 2.000 ha, xa khu dân cư, gần cảng nước sâu. Tàu dầu thô chuyên dụng có thể neo đậu cách gần bờ 2 km thuận lợi cho việc làm đường ống đưa nguyên liệu vào nhà máy (ở Thái Lan đường ống bơm dầu thô từ tàu vào đất liền cách xa đến 20 km). Mặt khác, địa điểm xây dựng nhà máy được dãy núi Yên Ngựa che chắn nên ít chịu ảnh hưởng nguy hiểm của thời tiết gió bão khắc nghiệt của miền Trung vào mùa mưa.
"Vốn đầu tư cho dự án khoảng từ 25 đến 30 tỷ USD, chúng tôi có thể tự túc khoảng 40% còn lại kêu gọi các đối tác góp vào", ông nói. Dự án dự kiến chia thành hai giai đoạn, tập trung chế biến chủ yếu là sản phẩm hóa dầu 50 % tiêu thụ tại Việt Nam, còn lại xuất khẩu. Tổ hợp có tổng công suất chế biến 660.000 thùng, tương đương 33 triệu tấn sản phẩm lọc hóa dầu mỗi năm.
Ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Khu kinh tế Nhơn Hội cho rằng, khu kinh tế này được hưởng cơ chế ưu đãi thuộc diện vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Do vậy khi PTT đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội cũng sẽ hưởng cơ chế ưu đãi đặc thù của chính phủ giành cho địa phương.
"Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư PTT hưởng cơ chế miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất trong thời gian 70 năm", ông Lý chia sẻ.
Hiện tại, Bình Định cũng đã thành lập Tổ chuyên gia tư vấn gồm Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế làm nhóm trưởng, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, ông Nguyễn Giao, nguyên Tổng giám đốc Vietsopetro, ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo các Sở, ngành hỗ trợ nhà đầu tư PTT trong suốt quá trình lập dự án nghiên cứu khả thi chi tiết.
Trước một số thông tin băn khoăn về "tính khả thi" của dự án, TS Trần Du Lịch, nhóm trưởng nhóm tư vấn Tổ hợp lọc- hóa dầu Nhơn Hội nêu rõ quan điểm, vấn đề cần quan tâm bây giờ là sau 9 tháng nữa PTT có chịu bỏ tiền ra đầu tư dự án hay không, dự án có sự cạnh tranh, tác động môi trường, hiệu quả ra sao, tác động tích cực thế nào đối với sự phát triển của đất nước.
"Theo tôi, không có nhà đầu tư nào dại dột bỏ tiền vào chỗ không thể làm được. Đã đến lúc Việt Nam không thể quy hoạch theo kiểu "tự cấp, tự túc" mà cần phải mở tầm nhìn trên nền tảng cạnh tranh toàn cầu", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Bàn về dự án Tổ hợp lọc- hóa dầu Nhơn Hội, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù Việt Nam hiện là nước nhập khẩu thuần các sản phẩm lọc hóa dầu nhưng khi triển khai Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội hy vọng sẽ giúpViệt Nam trở thành một nước xuất khẩu thuần các sản phẩm hóa dầu.
Các chuyên gia kinh tế ước tính, nhu cầu về sản phẩm hóa dầu nhập khẩu tại Việt Nam sẽ tăng thêm 4,2 triệu tấn mỗi năm từ nay đến 2020. Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội không chỉ đáp ứng nhu cầu này khi mà Tổ hợp có công suất chế biến 660 thùng dầu thô mỗi ngày với tổng sản lượng 6,5 triệu tấn olefins và 3,7 triệu tấn dầu hóa dẻo mỗi năm.
"Bằng cách tích hợp lọc dầu và các sản phẩm hóa dầu, dự án sẽ đảm bảo biên lợi nhuận cạnh tranh cao hơn nhờ công suất qui mô lớn. Dự án có thể tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 30.000 lao động và 100.000 lao động gián tiếp. Tôi tin Tổ hợp sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ không chỉ riêng cho Bình Định mà lan tỏa, góp phần tạo "cú hích" cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cất cánh", ông Lộc nói.
Nguồn VnExpress