vneconomy.vn
Vốn cho doanh nghiệp SME: Góc nhìn của người Thái
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/1/2018. Trong khi đó, khó khăn trong kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn đã khiến số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh 3 tháng đầu năm 2018 lên tới 12.222 doanh nghiệp, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017.
“Xương sống” của nền kinh tế
Ông Suwanchai Lohawatanakul, Trưởng Cơ quan Xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Lan (OSMEP), cho biết, việc củng cố các SME Thái Lan trở thành động lực chính của nền kinh tế là một trong những mục tiêu của Chính phủ Thái Lan.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2021, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đóng góp tới 50% tổng GDP, Thái Lan đã tập trung vào việc tạo ra hệ sinh thái và phát triển năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này vận hành kinh doanh hiệu quả, sáng tạo và đổi mới.
Muốn vậy, Chính phủ Thái Lan đã xem doanh nghiệp nhỏ và vừa như “xương sống” của nền kinh tế, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể.
Chính Thủ tướng đã chỉ đạo OSMEP đã xây dựng và điều phối một chiến lược tổng thể phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan. OSMEP cũng đưa ra chính sách triển khai và đồng thời đánh giá tiến độ thực hiện, phân tích và đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp.
Khi xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, OSMEP xác định doanh nghiệp dưới 3 năm là start up và sau 3 năm là doanh nghiệp thông thường. Mỗi nhóm có hỗ trợ riêng, để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
OSMEP hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái không chỉ với vai trò cơ quan hoạch định chính sách của Chính phủ của Thái Lan, mà còn điều phối các tổ chức khác nhau của khu vực công và khu vực tư.
Bằng cách đó, chúng tôi đã kết hợp với Tập đoàn bảo lãnh tín dụng Thái Lan (TCG) hỗ trợ những khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cung cấp cho họ những kỹ năng kinh doanh, năng lực quản trị, năng lực tổ chức hoạt động, Suwanchai Lohawatanakul cho hay.
Theo OSMEP, hệ thống bảo lãnh tín dụng, ngân hàng Thái Lan có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng.
Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan đã hoạt động từ 70 năm qua. Ông Pattarapong Kanhasuwan, Tổng giám đốc KasikornBank cho hay, "hiểu về khách" hàng là chìa khóa để dẫn tới thành công của KasikornBank ở phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mục tiêu cuối cùng của KasikornBank là cung cấp nhiều hơn nữa tín dụng dưới hình thức hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là cho doanh nghiệp Thái Lan đầu tư sang Việt Nam.
Hiện, KasikornBank đang thực hiện chiến lược AEC+3 nhằm tạo ra một kết nối khu vực chiến lược thông qua việc mở rộng mạng lưới hoạt động trong khu vực AEC, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngân hàng này cũng đã thành lập 2 văn phòng đại diện tại Việt Nam.
“Bắt tay” để thành doanh nghiệp toàn cầu
Hiện số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách. Hàng loạt các cản trở tiếp cận tín dụng đến từ hai phía: ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nhận xét.
Chỉ khoảng hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, số còn lại vẫn phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro. Tỷ lệ dư nợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017.
Ông Suwanchai Lohawatanakul cho rằng, môi trường kinh doanh đã thay đổi, ASEAN đã trở thành một môi trường kinh doanh không biên giới. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể liên kết, tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư trong khu vực, trong đó bao gồm Thái Lan.
Người đứng đầu OSMEP tin rằng liên kết khu vực mang lại nhiều cơ hội hơn và quy mô cũng lớn hơn. Nếu một thể hệ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được tạo ra, có thể giúp tăng GDP lên mức cao hơn.
Hiện tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tương tự Thái Lan, starup có tỷ lệ sống sót dưới 5%. Ông Suwanchai Lohawatanakul kêu gọi cái “bắt tay” giữa các bên để có những doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn cầu vào 5 hoặc 10 năm tới.