Thứ Hai | 28/04/2014 12:01

Vội cổ phần hóa, Việt Nam sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng vốn

Theo Bloomberg, đẩy nhanh cổ phần hóa theo lộ trình tham vọng mà chính phủ đề ra có thể khiến các doanh nghiệp nhà nước không đạt mục tiêu tăng vốn.
Bloomberg ngày 28/04 đã có bài viết nhận định về quá trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

Trước khi Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tháng trước, các nhà phân tích cho biết Vivaso đã không tổ chức bất cứ cuộc gặp nào với nhà đầu tư hay đưa tin lên trang web của công ty.

Vivaso trong đợt IPO đầu tiên huy động ít hơn 4% so với chỉ tiêu 151,78 tỷ đồng (7,2 triệu USD). Đây là một trong số 24 đợt phát hành IPO năm nay của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 tháng trước huy động được 14% trong 142,1 tỷ đồng mục tiêu IPO. Duy nhất có Viglacera đạt mục tiêu huy động và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Hầu hết các đợt phát hành này đều không đạt chỉ tiêu huy động đề ra và thất bại trong việc thu lợi từ các nhà đầu tư ngoại. Tính đến nay, chưa có công ty nào trong số 24 công ty phát hành IPO năm nay giao dịch trên hai sàn giao dịch chứng khoán của Việt Nam. Theo luật, các công ty sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải niêm yết giao dịch trong vòng một năm sau đó, nếu không sẽ chịu án phạt 150 triệu đồng.

Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp trong nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường chứng khoán trị giá 53 tỷ USD – được xếp hạng nhỏ thứ 2 trong số thị trường các nước châu Á Thái Bình Dương, sau Sri Lanka.

Theo Project Asia Research & Consulting Pte – một công ty tư vấn và nghiên cứu độc lập của Singapore, kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước từ nay đến hết năm 2015 đang khiến các công ty đẩy nhanh quá trình IPO mà không hề tiếp thị bản thân trước. Ông Attila Vajda, giám đốc điều hành của Project Asia cho biết, nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư các công ty tốt với triển vọng và bộ máy quản lý tốt, chứ không phải các thương vụ mà họ chẳng có chút thông tin nào.

Tháng 2 năm ngoái, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt đề án đẩy nhanh các đợt cổ phần hóa và khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chủ đạo trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và hệ thống tài chính bất ổn do nợ xấu leo cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp trong đó có Vivaso theo đó buộc phải tìm cách cắt giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước thông qua cổ phần hóa.

Trả lời qua điện thoại hôm 23/4, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức của công ty chứng khoán SSI cho biết nhiều công ty đang vội tiến hành các đợt IPO, khiến các nhà đầu tư có quá ít thời gian để xem xét đầu tư.

Theo bài viết của Bloomberg, chính phủ Việt Nam đã cố gắng tiến hành đợt IPO cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) kể từ năm 2010 trong bối cảnh cạnh tranh nội địa gia tăng. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã hoãn phát hành IPO hai lần, trong khi Mobifone vẫn chưa bán cổ phần của mình kể từ năm 2007 như kế hoạch.

Ông Tony Diệp, giám đốc điều hành của Indochina Capital cho biết các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 30-35% GDP nhưng sử dụng tới 55-60% vốn, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Theo ông Tony Diệp, các doanh nghiệp này hoạt động “không thực sự hiệu quả”. Kế hoạch cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2015 cũng “rất tham vọng” trước thực tế đến nay mới chỉ có ít đợt IPO được tiến hành và phản ứng của các nhà đầu tư còn yếu.

Hồi tháng 2, Moody’s Investors Service dự đoán tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam chiếm 15% tổng dư nợ. Ngân hàng nhà nước đã lên tiếng phản đối đánh giá này, cho rằng nợ xấu đã giảm xuống 3,63% cuối năm 2013.

Tuy nhiên, trong tháng 2, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn ra chỉ thị sẽ phạt lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước nếu trì hoãn quá trình cổ phần hóa.

Theo ông Alan Phạm, kinh tế trưởng của VinaCapital, các nhà đầu tư quốc tế vẫn đang đợi các đại gia doanh nghiệp nhà nước chào bán IPO. Ông Tony Diệp cho biết, những đợt chào bán của các tổng công ty lớn như của Vietnam Airlines vào tháng 9 theo dự kiến từ chính phủ, và của Mobifone hay Vinatex sẽ giúp thu hút vốn ngoại.

Theo ông Vajda, nếu quá nhiều đợt IPO lớn diễn ra cùng một lúc thì cần có sự tham gia vào thị trường của các nhà đầu tư ngoại để khớp với nguồn cung, trước thực tế là các nhà đầu tư trong nước vẫn còn cảm thấy chưa đủ khả năng.


Nguồn GAFIN/Bloomberg/NCĐT


Sự kiện