Thứ Ba | 03/03/2015 14:42

VOF mua 7 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Fecon?

VinaCapital không nêu cụ thể tên doanh nghiệp nhưng với các dữ kiện về kết quả kinh doanh 2014 và các công trình trúng thầu thì nhiều khả năng đây là Fecon.

Trong tài liệu được thực hiện bởi VinaCapital tại Hội nghị các quỹ đầu tư thị trường mới nổi do Edmond de Rothschild tổ chức cuối tháng 2/2015, VinaCapital cho biết quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã hoàn tất các điều khoản để mua 7 triệu USD (gần 150 tỷ đồng) trái phiếu chuyển đổi (tương ứng 11,5%) vốn của một công ty xây lắp hạ tầng niêm yết.

VinaCapital không nêu cụ thể tên doanh nghiệp, nhưng với các dữ kiện như doanh thu năm 2014 đạt 63,2 triệu USD, lợi nhuận ròng đạt 6,1 triệu USD; Mục tiêu trở thành doanh nghiệp xây dựng hạ tầng lớn nhất miền Bắc, đặc biệt trong lĩnh vực cọc, cải tạo đất và các công trình ngầm khác; Các dự án trọng điểm bao gồm nhà máy của LG, Samsung, dự án lọc dầu Nghi Sơn thì nhiều khả năng đây là Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (mã FCN).

Năm 2014, Fecon có kế hoạch chào bán riêng lẻ 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng. Giá chuyển đổi không thấp hơn 19.500 đồng/cổ phiếu.

Tại hội nghị "Gặp gỡ các nhà đầu tư" được tổ chức tháng 4/2014, Chủ tịch HĐQT Fecon Phạm Việt Khoa cho biết có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới trái phiếu chuyển đổi của Fecon. Tháng 6/2014, Quỹ Phát triển Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển Nhật Bản –DBJ đã chi 195 tỷ đồng mua trái phiếu chuyển đổi của Fecon và trở thành cổ đông chiến lược.

VOF ước tính vốn hóa thị trường của doanh nghiệp được đầu tư đạt 61 triệu USD (khoảng 1.300 tỷ đồng) sau khi chuyển đổi trái phiếu. Khoản đầu tư sẽ được VOF thoái vốn sau 2-3 năm.

Ngoài FCN, tài liệu này cũng đề cập việc VOF chuẩn bị mua 2,6% cổ phần của một doanh nghiệp có mảng kinh doanh đồ uống, được cho rằng là của Đường Quảng Ngãi - sở hữu nhãn hiệu sữa đậu nành Fami và Vinasoy.

Nguồn DVO