Vỡ “mộng” tỷ đô đổ vào điện gió
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa quyết định hủy bỏ chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy phong điện tại hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam đối với nhà đầu tư IMPSA Singapore Pte. Lý do là nhà đầu tư đã vi phạm tiến độ hoàn tất thủ tục, hồ sơ đăng ký đầu tư theo các cam kết được đưa ra từ năm 2011, khi UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư cho IMPSA.
Trong văn bản được ký cách đây ít ngày, ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận thông báo quyết định trên tới IMPSA, đồng thời xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư mới thực hiện dự án điện gió tại vị trí điện gió số 5 - Bản đồ điện gió tỉnh Ninh Thuận.
IMPSA được Ninh Thuận chấp thuận chủ trương để khảo sát, lập thủ tục đầu tư dự án điện gió, cũng như nhà máy sản xuất cánh quạt tua-bin gió và trụ gió, với vốn đầu tư có thể lên tới 2-3 tỷ USD, từ năm 2011. Quy mô lớn, nên dễ hiểu vì sao Ninh Thuận đặt nhiều kỳ vọng vào nhà đầu tư này. Thậm chí, sau khi chỉ xin khảo sát dự án trên quy mô 600 ha ban đầu, IMPSA đã xin nâng lên 1.000 ha để mở rộng phạm vi và cũng đã ngay lập tức được Ninh Thuận đồng ý.
Vào thời điểm đó, Ninh Thuận đã yêu cầu IMPSA trong vòng 6 tháng phải hoàn tất hồ sơ đăng ký đầu tư Dự án và bổ sung quy hoạch theo quy định, trình UBND tỉnh xem xét, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Nhưng từ đó tới nay, tình hình chưa có gì khả quan. Đến hồ sơ đăng ký đầu tư còn chưa nộp, thì sau tới gần 5 năm, Dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Câu chuyện nằm ở chỗ, IMPSA (Industrias Pescarmona S.A.I.C.y F) - một tập đoàn có trụ sở chính tại Argentina - vào năm 2009 đã từng ký thỏa thuận với Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam về việc góp vốn thành lập liên doanh sản xuất và thương mại hóa các thiết bị phong điện và thủy điện tại Việt Nam. Hai bên cũng dự định phát triển và quản lý các dự án điện gió và thủy điện tại Việt Nam. Tổng số vốn mà IMPSA dự kiến đầu tư tại Việt Nam lên tới trên 3 tỷ USD.
Sau thỏa thuận trên, IMPSA cũng đã tới Bình Thuận để đề xuất một dự án điện gió, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,2 tỷ USD và nhà máy sản xuất thiết bị phong điện, vốn đầu tư 171 triệu USD… Song cho đến nay, mọi chuyện vẫn chẳng đâu vào đâu. Bình Thuận cũng từng rất sốt ruột khi nhà đầu tư này mãi không nộp hồ sơ đầu tư theo như đề xuất ban đầu.
Với những động thái trên, xem ra, “mộng” IMPSA đã vỡ. Thêm một nhà đầu tư trong lĩnh vực phong điện “rũ áo ra đi”.
Thực ra, chuyện thu hồi chủ trương đầu tư, thậm chí là giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án điện gió ở Ninh Thuận nói riêng, ở các địa phương khác nói chung không còn là chuyện mới mẻ. Chỉ tính riêng Ninh Thuận, dù có tới 12 dự án điện gió nằm trong quy hoạch phát triển điện gió, song phần lớn các dự án điện gió ở Ninh Thuận đều thuộc diện chậm tiến độ, nhiều lần bị lãnh đạo tỉnh thúc tiến độ, thậm chí bị thu hồi, từ Nhà máy Điện năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity, đến Nhà máy Điện gió Mũi Dinh, điện gió của LandVille Energy… Timur (Malaysia) cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ở tỉnh này với vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD, nhưng rồi cũng chẳng triển khai.
Năng lực của chủ đầu tư chỉ là một vấn đề. Chuyện các dự án điện gió, mặc dù được Việt Nam khuyến khích đầu tư, nhưng chậm triển khai được cho là xuất phát từ giá mua điện gió ở mức quá thấp. Thậm chí, có nhà đầu tư còn cho rằng, với giá mua điện như hiện nay, dù đã được Chính phủ trợ giá, là 7,8 Uscent/kWh, thì sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế.
Năm ngoái, khi công bố nghiên cứu về điện gió ở Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, mức giá mua điện gió hiện nay tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng. Và điều này ắt dẫn đến chuyện sẽ có thêm nhiều dự án điện gió “chết yểu” ngay khi còn trên hồ sơ.
Nhiều nguồn tin cho biết, Bộ Công thương đã từng đề xuất mức giá mua điện gió vào khoảng 10 USDcent/kWh. Với mức giá này, cơ hội phát triển điện gió sẽ rộng mở hơn. Nhưng cho đến nay, đề xuất này vẫn chưa được chốt.
Nguồn Đầu tư