VNPT sắp xếp nhân sự cho 3 Tổng công ty mới thành lập
Tái cấu trúc, tái cơ cấu cả tư duy của người lao động
Trước băn khoăn về việc thực hiện tái cấu trúc VNPT, hàng ngàn lao động dôi dư sẽ được giải quyết ra sao, ông Phạm Đức Long – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, nguyên tắc của VNPT là tái cơ cấu đảm bảo lao động phải có việc, làm việc có hiệu quả.
“VNPT không ép bất kỳ ai nghỉ việc mà yêu cầu nhân viên làm việc hiệu quả. Phân phối thu nhập dựa trên kết quả lao động” – ông Long nói. Theo đó, thực hiện tái cấu trúc chắc chắn phải sắp xếp, điều chuyển lao động vào các vị trí phù hợp nhằm phát huy năng lực, khả năng cống hiến cho cả Tập đoàn.
Trước đây, VNPT có 14.000 lao động chuyên kinh doanh, nhưng trong kế hoạch tái cấu trúc, đội ngũ lao động kinh doanh chuyển thành 17.000, vì thế, chắc chắn phải thực hiện bổ sung và điều chuyển. “Trong lúc chờ phê duyệt phương án, trong khả năng kinh phí của mình, VNPT hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên làm việc tại VNPT khi nghỉ được hưởng mỗi năm 1 tháng lương” – ông Long cho biết.
Năm 2014, VNPT dự trù kinh phí xử lý, hỗ trợ hoạt động dôi dư là 500 tỷ đồng, nhưng chỉ mới sử dụng gần 300 tỷ đồng. Con số này cho thấy quyết tâm gắn bó với đơn vị và nỗ lực thay đổi chính mình của mỗi người lao động.
Theo ông Long: “Điều quan trọng nhất chúng tôi nhận thấy là sự thay đổi ý thức rất tích cực từ đội ngũ cán bộ, nhân viên. Họ hiểu rằng, mình phải làm việc”. Mặc dù hệ thống khoán tới người lao động mới được áp dụng 4 tháng nên những tác động tới việc dôi dư lao động cũng chưa rõ nét, nhưng cũng đã tạo không khí mới trong sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn.
Năm 2015, đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác đào tạo nhân sự
Trong quá trình tái cấu trúc một doanh nghiệp nhà nước, việc xử lý nhân sự, lao động dôi dư là vấn đề phức tạp, “khó xử” nhất. Đặc biệt, đối với một doanh nghiệp nhiều lao động như VNPT, vấn đề này càng trở nên “khốc liệt” hơn khi tái cấu trúc đặt ra yêu cầu chuyên nghiệp, chuyên biệt hóa các dịch vụ, sản phẩm, từ đó đòi hỏi có sự sắp xếp, điều chuyển lao động.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Đức Long cho biết, từ trước đến nay, VNPT đầu tư rất lớn cho mạng lưới, kỹ thuật, hệ thống bán hàng, nhưng công tác quan trọng nhất là đầu tư cho con người thì lại thiếu và yếu. Một thời gian dài, công tác tái đào tạo cán bộ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất.
“Suy cho cùng, chính nhân sự sẽ vận hành mạng lưới, hệ thống phân phối. Cho nên, đây sẽ là công việc trọng tâm mà VNPT đang thực hiện rất quyết liệt. Không chỉ đầu tư vốn mà giờ đây Tập đoàn sẽ trực tiếp điều hành công tác đào tạo” – ông Long nói. Nếu như trước đây VNPT giao cho các đơn vị lập kế hoạch, thực hiện đào tạo thì hiện nay VNPT sẽ trực tiếp điều hành hoạt động này, mà theo lời ông Long: “Điều hành như điều hành kế hoạch hàng tháng, hàng quý”.
Theo đó, các đơn vị dựa trên nguồn lực mà Tập đoàn phân phối về xây dựng chương trình đào tạo, số lượng nhân viên được đào tạo, lên kế hoạch cụ thể. Hàng tháng, hàng quý Tập đoàn sẽ theo dõi sát sao hoạt động này. Ông Long cho biết, năm 2015 VNPT dự kiến đầu tư 500-1.000 tỷ đồng cho công tác đào tạo.
Tháng 3 sẽ đưa ra phương án cán bộ
Một điểm mới trong công tác cán bộ của VNPT là ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên bán hàng, mạng lưới, kỹ thuật, năm 2015 VNPT sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn. “Hiện VNPT đang xây dựng quy hoạch cán bộ, rà soát kỹ quy hoạch này và bắt đầu đào tạo lớp cán bộ nguồn – ông Long cho biết – Các kỹ năng quản trị doanh nghiệp, lãnh đạo nhóm, phân tích xử lý số liệu… sẽ được trang bị cho đội ngũ kế cận này”.
Liên quan đến phương án nhân sự cho 3 tổng công ty trực thuộc VNPT – dự kiến sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập vào quý II/2015, ông Long cho biết, VNPT đang chờ phê duyệt thành lập 3 tổng công ty của Bộ Thông tin và Truyền thông mới có phương án cụ thể.
Tuy nhiên, “phương án cán bộ từ Hội đồng Thành viên dự kiến sẽ trình vào tháng 3/2015” và với chức năng của bộ máy Tập đoàn sau tái cấu trúc khác với lúc chưa tái cấu trúc, nên chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển nhằm thực hiện nhiệm vụ mới này.
Nguồn Pháp luật VN