Thứ Tư | 29/08/2012 21:56

VNPT phải hoàn tất đề án tái cấu trúc trong năm nay

Ngoài ra, VTC phải trì đề án tái cấu trúc trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 9/2012.
Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Bắc Son vừa ký ban hành Chỉ thị triển khai thực hiện Quyết định 929 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Theo chỉ thị này, ngoài việc phải tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Quyết định 929, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phải được thực hiện theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành, phân định rõ hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích.

Bên cạnh đó, đối với một số thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như cố định đường dài trong nước, quốc tế; di động; internet băng rộng…phải thực hiện đúng theo yêu cầu của Quy hoạch viễn thông quốc gia đảm bảo mỗi thị trường có ít nhất 3 doanh nghiệp mạnh tham gia hoạt động. Nhằm thúc đẩy cạnh tranh, tránh việc tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông, dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.

Chỉ thị trên của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phải cổ phần hóa và thoái vốn đối với các hoạt động thông tin và truyền thông mà nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường theo các quy định của pháp luật.

Chỉ thị này cũng hối thúc VNPT xây dựng đề án tái cơ cấu trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong năm 2012. Riêng Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC phải xây dựng đề án tái cơ cấu, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 9/2012.

Hiện nay, vấn đề lớn nhất trong việc tái cấu trúc mô hình hoạt động của VNPT là việc tái cơ cấu lại vốn sở hữu của VNPT trong hai mạng VinaPhone và MobiFone vì theo quy định tại Nghị định 25, VNPT không được phép đồng sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động này.

VNPT đã từng đề xuất xin sáp nhập VinaPhone và MobiFone để thành lập Tổng công ty VNPT-Mobile, tuy nhiên đề xuất này của VNPT không nhận được sự đồng thuận cao từ phía các cơ quan có thẩm quyền do vướng phải một số quy định của Luật cạnh tranh cũng như khả năng không đảm bảo quy định “có ít nhất 3 doanh nghiệp mạnh tham gia hoạt động trên thị trường viễn thông di động” theo như quy hoạch Viễn thông Quốc gia được phê duyệt gần đây.

Vấn đề thứ 2 mà VNPT là chuyện thoái vốn ngoài ngành. Hiện một số công ty con mà VNPT đầu tư đang trong hoạt động không hiệu quả. Do đó, VNPT không thể dễ dàng thoái vốn tại các công ty này và nếu có thoái vốn cũng sẽ khó có được hiệu quả cao nhất.

Nguồn Báo đầu tư


Sự kiện