“VND đang được định giá cao”
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2015 của VEPR cho rằng tỉ giá danh nghĩa cả năm sẽ tăng hết dư địa 2% mà Ngân hàng Nhà nước đã vạch ra từ đầu năm dưới các áp lực hiện có.
“Tuy nhiên, Việt Nam đang bước vào một chu kỳ chính trị mới, tính ổn định vĩ mô được ưu tiên và sẽ không có những điều chỉnh đột ngột cho đến cuối năm. Chúng tôi nhìn nhận khả năng kiểm soát tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (36,7 tỷ USD) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Do đó, điều chỉnh tỉ giá nếu có sẽ rơi vào cuối quý IV”, báo cáo của VEPR viết.
Dù vậy, VEPR vẫn cho rằng đến cuối năm 2015, cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt nhưng cán cân tổng thể vẫn đạt thặng dư vừa phải nhờ sự bù đắp từ vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối. Mức thặng dư sẽ khiêm tốn hơn, vào khoảng 4 tỷ USD, tương đương 1/3 thặng dư năm 2014.
“Do đó tỉ giá chưa gặp thêm sức ép bên ngoài xu hướng tăng giá của USD. Tỉ giá có thể tiến tới biên độ cho phép 2% và nếu có điều chỉnh sẽ được thực hiện vào quý IV năm 2015”, VEPR dự báo.
Theo VEPR, quyết định lùi thời điểm tăng lãi suất của Fed, qua đó làm giảm mức tăng giá của USD, dường như đã có những ảnh hưởng nhất định đến quyết định giữ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước.
VEPR cho biết tỉ giá danh nghĩa giữa VND và USD tăng nhanh đầu tháng 3 trước khi hạ nhiệt vào cuối tháng. Tỉ giá chính thức vượt 21.400 đồng/USD và tỉ giá phi chính thức vượt 21.700 đồng/USD.
“Sức ép lên tỉ giá đến từ nhiều phía, trong đó có nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp nước ngoài, sự thu hẹp chênh lệch lãi suất bằng VND với lãi suất bằng USD, sự tăng giá USD toàn cầu có khuynh hướng chuyển tài sản đầu tư sang USD”, báo cáo viết.
Theo VEPR, mức thâm hụt thương mại trong quý I không có tác động lớn, nhất là khi cán cân tổng thể vẫn thặng dư 2,8 tỷ USD. Luồng kiều hối hàng năm hơn 10 tỉ USD che dấu tình trạng thâm hụt của Việt Nam khi trao đổi hàng hoá và dịch vụ.
Nếu cán cân thương mại hàng hoá 2012-2014 có xu hướng cân bằng thì cán cân thương mại dịch vụ vẫn chịu thâm hụt lớn, chủ yếu là do dịch vụ hàng hải trong nước không cạnh tranh được với các hãng nước ngoài.
“Nếu loại bỏ kiều hối thì thâm hụt thương mại có thể vượt qua thặng dư từ vốn (đầu tư trực tiếp và gián tiếp), có xu hướng làm trượt giá VND – và quả thực dữ liệu về tỉ giá hiệu dụng thực tế (REER) khẳng định VND đang bị định giá cao và mức độ cạnh tranh về giá của hàng hoá thương mại gặp bất lợi. Trong trường hợp VND tự do điều chỉnh thì cán cân thương mại sẽ cân bằng lại, thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu”, VEPR bình luận.
Với diễn biến ttỉ giá hiện nay, VEPR cho rằng đang theo hướng có lợi cho nhập khẩu. Đồng EUR và đồng YEN trượt giá so với USD, qua đó giảm giá so với VND, đã thúc đẩy nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này.
“Nhập khẩu còn được hỗ trợ bởi xu hướng giảm giá hàng nhập khẩu kéo dài từ quý II/2012. Trong khi đó chỉ một số ít doanh nghiệp bắt đầu cảm thấy năng lực cạnh tranh suy yếu do tỉ giá”, VEPR nhận định.
Phần lớn xuất khẩu sang châu Âu được kí bằng đồng USD và được kí trước từ 3-6 tháng nên ảnh hưởng từ việc đồng EUR giảm giá đến hoạt động xuất khẩu, có chiều hướng tiêu cực trên lý thuyết. Dù chưa phải là mối quan ngại lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu ở thị trường chính là châu Âu và Nhật, trong quý I nhưng sẽ lớn dần trong các quý sau khi đồng EUR và YEN suy yếu theo đà nới lỏng tiền tệ của ECB và BoJ.
Theo VEPR, với thanh toán quốc tế, dòng kiều hối đang che dấu khuynh hướng thâm hụt trong thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam. Một đồng tiền linh hoạt sẽ tự động điều chỉnh lại sự bất cân bằng nhưng điều này đã không xảy ra, do đó chính sách tỉ giá cần chủ động thực hiện điều đó.
“Chúng tôi giữ quan điểm VND cần được cho phép trượt giá 3-4% một năm trong 2 - 3 năm, thông qua nhiều bước với biên độ 1-1.5%. Thêm vào đó, nhà điều hành cần xác định hiện tượng tăng giá của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác đang ảnh hưởng lên VND và sức cạnh tranh hàng hoá Việt Nam, lường trước các thay đổi trong hành vi trao đổi thương mại và đầu tư. Sự giới hạn trong không gian chính sách có thể là cơ hội cho các công cụ và biện pháp trái thông lệ”, VEPR bình luận.
Nguồn Bizlive