Sự trở lại của ông Donald Trump, nếu được bầu, sẽ tạo cơ hội cho ông tiếp tục các chính sách được xem là đã làm gián đoạn quan hệ thương mại quốc tế kể từ năm 2018. Ảnh: TL.

 
Lâm Minh Thứ Ba | 05/11/2024 17:27

VND có thể chịu áp lực giảm giá mạnh nếu ông Trump thắng cử

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ cho nhiệm kỳ 2025-2029 sẽ sớm có kết quả cuối cùng sau cuộc tổng tuyển cử vào ngày 5/11.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy một cuộc đua sát sao giữa các ứng cử viên hiện tại từ Đảng Dân chủ (bà Kamala Harris) và Đảng Cộng hòa (ông Donald Trump). Bà Kamala Harris được xem là ứng cử viên sẽ tiếp tục di sản của người tiền nhiệm Đảng Dân chủ, Joe Biden, do đó có thể ít tạo ra các nguy cơ về sự mất ổn định. Ngược lại, sự trở lại của ông Donald Trump, nếu được bầu, sẽ tạo cơ hội cho ông tiếp tục các chính sách được xem là đã làm gián đoạn quan hệ thương mại quốc tế kể từ năm 2018.

Trong khi các biến động ngắn hạn của DXY có thể chịu ảnh hưởng bởi các chính sách cụ thể của chính phủ, sự biến động trung và dài hạn chủ yếu được điều khiển bởi các chính sách của Fed liên quan đến lạm phát và chu kỳ kinh tế (Theo ACBS).
Trong khi các biến động ngắn hạn của DXY có thể chịu ảnh hưởng bởi các chính sách cụ thể của chính phủ, sự biến động trung và dài hạn chủ yếu được điều khiển bởi các chính sách của Fed liên quan đến lạm phát và chu kỳ kinh tế (Theo ACBS).

Với ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Mỹ, kết quả bầu cử sẽ là một sự kiện quan trọng có tác động sâu rộng đến các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam. Việt Nam là một nền kinh tế rất mở, trong đó doanh thu thương mại chiếm 158% GDP, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất (xuất siêu 83 tỉ USD) và Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất (nhập siêu 49 tỉ USD) cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ kết quả bầu cử Mỹ. 

 

Trong báo cáo được công bố mới đây, ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Chuyên viên Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đã có những phân tích về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến nền kinh tế Việt Nam. 

Theo đó, tác động ngắn hạn VND có khả năng phải đối mặt với áp lực giảm giá lớn hơn nếu ông Trump thắng cử và thực hiện các chính sách kinh tế của mình, vì những điều này chủ yếu làm tăng giá trị USD. Điều này sẽ khiến dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam không còn, từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và khả năng sinh lời của ngành ngân hàng nói riêng. 

Thêm vào đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể gặp thách thức nếu ông Trump áp dụng thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa như ông tuyên bố. “Các ngành xuất khẩu (thủy sản, dệt may, săm lốp, đồ gỗ, thép) có thể sẽ đối mặt với khó khăn trong ngắn hạn về chính sách thuế, và khó khăn trong dài hạn về việc suy giảm nhu cầu từ thị trường Mỹ nếu hàng hóa nhập khẩu trở nên quá đắt đỏ”, ông Minh phân tích. 

Tuy nhiên, chuyên gia của ACBS cũng cho rằng khó khăn này có thể bù đắp phần nào nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể lấy được một phần miếng bánh xuất khẩu từ Trung Quốc.

Ở góc nhìn dài hạn, ông Minh cho rằng việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng hóa từ Trung Quốc là chiến lược xuyên suốt của hai đời Tổng thống Mỹ gần đây. Vì vậy, xu hướng FDI từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam được dự báo sẽ tiếp diễn trong các năm tới. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ sự tăng trưởng FDI của Việt Nam. Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, vận tải và kho bãi sẽ được hưởng lợi nhờ sản lượng hàng hóa gia tăng. 

Có thể bạn quan tâm 

“Ẩn số Trump” trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam