Bloomberg

 
Hoàng Phượng Thứ Tư | 03/01/2018 11:46

VN-Index phá mốc 1.000 điểm sau 10 năm

Tâm lý lạc quan đang bao trùm thị trường với những triển vọng tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018.

Tâm lý lạc quan bao trùm

Trong phiên giao dịch thứ hai của năm 2018, chỉ số VN-Index đã vượt qua mốc 1.000 điểm lên mốc 1.006 điểm. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam mới đạt mốc lịch sử này.

Tâm lý lạc quan đang bao trùm thị trường. Thời gian vừa qua VN-Index không chỉ là tâm điểm trong nước mà còn nổi bật giới chứng khoán thế giới khi là một trong những thị trường tăng điểm mạnh nhất châu Á theo tỷ lệ phần trăm, Bloomberg đánh giá.

Thông thường chỉ số chứng khoán chính là hàn thử biểu của một nền kinh tế.  Những kì vọng lớn về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 đã kích thích thị trường chứng khoán tăng điểm. Thị trường tăng hơn 11 điểm ngay phiên đầu năm, với sự hứng khởi của nhà đầu tư nội và ngoại, không có sự e dè như những gì diễn ra trong thời điểm đầu năm những năm trước.

VN-Index pha moc 1.000 diem sau 10 nam
Chỉ số Vn-Index. Ảnh: Vndirect

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,81% vượt qua mục tiêu đề ra là 6,8% và nằm trong top những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI vừa qua đã đưa ra nhận định rằng việc Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% trong năm là khá khiêm tốn. Và bộ phân này dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt mức 7% trong năm 2018.

Nói về nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán sôi động, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, cho biết: “Điều quan trọng là nền kinh tế đang hướng tới sự minh bạch và tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữ các doanh nghiệp”. Ông Hưng nói thêm: “Chúng ta đang hướng tới những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường thực sự và sự minh bạch của nền kinh tế. Chính điều đó giúp kinh tế phát triển và qua đó giúp Thị trường chứng khoán thăng hoa trong năm vừa qua”.

Nhiều yếu tố tích cực

Chính sự minh bạch và những ưu đãi đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài không ngại ngần đổ tiền vào nền kinh tế Việt Nam thông qua vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp (FII). Bởi vì tiềm năng của Việt Nam rất lớn, các tổ chức nước ngoài đánh giá Việt Nam có lợi thế về chi phí nhân công, dân số trẻ với độ tuổi trung bình 29. Điều đó hấp dẫn cả các nhà sản xuất lẫn các công ty hàng tiêu dùng.

Chính vì thế mà nhà đầu tư Thái Lan như Thai Beverage đã không ngần ngại rót 4,8 tỷ USD cho thương vụ mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước Giải khát Sài gòn (Sabeco; HoSE: SAB).  Hay như Tập đoàn JCC của Hồng Kông chỉ trong một thời gian ngắn đã chi 1 tỷ USD để mua lại 10% cổ phần của công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; Hose: VNM). Ngoài 2 thương vụ đình đám trên, 2 công ty này còn chi rất nhiều tiền mua lại cổ phần của hàng loạt công ty khác. Bloomberg từng thống kê rằng: thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường duy nhất ở châu Á mà dòng vốn chảy vào là dương trong tất cả 8 tháng đầu của năm 2017.

Về phía các công ty sản xuất, các công ty lớn Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, liên tục rót vốn vào thị trường Việt Nam. Lượng vốn giải ngân vào thị trường Việt Nam năm 2017 đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD.  Nhận định về lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, cho biết: "Về tổng thể, 2017 là năm tích cực của lĩnh vực sản xuất khi kết quả PMI trung bình là cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện vào năm 2011. Vì vậy, ngành sản xuất có triển vọng tốt khi bước vào năm 2018".

Việc dòng vốn FDI và FII vào thị trường tích cực như vậy đã giúp ổn định tỷ giá USD/VND. Bloomberg từng nhận định, đồng Việt Nam là ổn định nhất thế giới. Và đây là một điểm công tích cực của Việt Nam khi nhà đầu tư nước ngoài xem xét đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài yếu tố tích cực từ dòng vốn ngoại, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng còn được hỗ trợ bởi thị trường tín dụng và tiền tệ trong nước.

Trả lời với báo giới về tình hình kinh tế, tài chính trong năm 2017, 2018, ông Trương Văn Phước, Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết: “Tôi nghĩ rằng, năm 2018 có điều kiện giảm thêm lãi suất nhưng không nhiều. Lãi suất sẽ ổn định và giảm mức độ nhỏ". Lãi suất giảm và ổn định sẽ là những yếu hết sức tích cực với tình hình kinh doanh của các công ty, họ sẽ có lợi nhuận tốt hơn và điều này sẽ có tác động tích cực đến giá cổ phiếu của các công ty trên thị trường chứng khoán.

Tâm lý của giới chứng khoán hiện nay là rất lạc quan. Chị Hà Kiều Trang, một nhà đầu tư chứng khoán, kỳ vọng chứng khoán năm 2018 sẽ có sự tăng trưởng bền vững hơn và VN-Index có thể tăng lên 1.200 điểm.

Còn với giới chuyên gia, ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia phân tích cao cấp, công ty Chứng khoán MB, (MBS) nhận định rằng với sự tích cực của thị trường hiện nay, dòng tiền rất là dồi dào, dự địa tăng cổ nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán còn rất lớn, VN-Index có thể hướng tới mốc cao hơn.