VN-Index: Chinh phục đỉnh 640
Gần như không chuyên gia nào nhận định thị trường chứng khoán sẽ tăng trong tháng 6, mà đều dự báo sẽ “nghỉ ngơi” trong 1-2 tháng tới. Lý do như ông Nguyễn Hữu Tài, chuyên gia môi giới thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), giải thích: “Đà tăng chứng khoán đã gây ngạc nhiên cho khá nhiều người”.
Trong diễn biến đó, 9 quỹ mở đang hoạt động ở Việt Nam đều ghi nhận giá trị tài sản ròng (NAV) tăng so với đầu năm nay. Riêng VN-Index đã vượt 630 điểm sau gần một năm trồi sụt. Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã không còn rẻ. Hệ số giá trên thu nhập (P/E) trung bình toàn thị trường đã vào khoảng 13-14 lần, gần xấp xỉ với mức P/E của một số nước như Malaysia và Thái Lan. Nhưng đây chỉ là nhận định ngắn hạn. Còn nhìn rộng hơn cho nửa cuối năm 2016, việc đưa ra dự báo xu hướng thị trường đã trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, trong một chia sẻ với báo chí, bà Thái Thị Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaWealth, cho rằng, chứng khoán sẽ tăng trở lại, khoảng 10% trong năm nay.
Xét yếu tố vĩ mô, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã đạt một số kết quả khả quan như chỉ số sản xuất công nghiệp, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, lãi suất cho vay có xu hướng giảm; thị trường tiền tệ ổn định; thu hút vốn FDI vẫn tích cực. Các tháng còn lại của năm 2016, diễn biến vĩ mô dự báo sẽ vẫn ổn định, nhất là khi Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm ổn định vĩ mô, coi đó là nền tảng quan trọng của tăng trưởng.
Trong sự ổn định đó, báo cáo tài chính quý I/2016 của các công ty phần lớn đều ghi nhận lợi nhuận. Chẳng hạn, ở sàn Hà Nội, 86% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lãi. Nếu gộp chung 2 sàn giao dịch, thống kê từ Maybank Kim Eng cho hay, doanh thu quý I năm nay của các công ty niêm yết tăng 10,6%, còn lợi nhuận sau thuế tăng 0,6%.
Các doanh nghiệp thuộc các ngành như xây dựng, thực phẩm, nhựa - bao bì, bán lẻ, công nghệ... còn nổi bật hơn nhờ đạt chỉ số lợi nhuận trên mỗi cỗ phiếu (EPS) trung bình 4.000-5.000 đồng/cổ phiếu, trong khi P/E ngành lại thấp dưới mức P/E toàn thị trường.
Những doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Thế Giới Di Động, Nhựa Bình Minh, Điện Quang, Coteccons... đi đầu về mức độ tăng trưởng kinh doanh. Khả năng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra của các công ty là trong tầm tay. Đáng chú ý, giá các cổ phiếu nhóm này luôn trong xu hướng tăng, với mức tăng trong từng đợt sóng đều gấp 3-4 lần so với lãi gửi tiết kiệm cả năm.
Thị trường chứng khoán cũng có có thể lạc quan khi nhìn vào số lượng đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), 5 tháng đầu năm, đã có 496 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài được cấp mã số giao dịch, tăng 125% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao kỷ lục tính từ năm 2010 khi VSD bắt đầu cung cấp số liệu thống kê. Con số này cho thấy chứng khoán Việt Nam vẫn có sức hút trong mắt giới đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là trong đợt cơ cấu danh mục gần đây nhất, rổ chỉ số FTSE Vietnam Index của Quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF do Deutsche Bank quản lý đã không loại bất kỳ cổ phiếu nào và còn thêm cổ phiếu GTN của GTN Foods vào danh mục. Tương tự, chỉ số FTSE Vietnam All-Share Index đã thêm 3 cổ phiếu là GTN, DHG của Dược Hậu Giang và DRH của Dream House vào danh mục trong khi chỉ loại ra 1 cổ phiếu TSC của Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ. Ngày 11.6, MV Index Solutions (MVIS) công bố kết quả đảo danh mục của VanEck Vectors Vietnam Index, chỉ số tham chiếu cho VanEck Vectors Vietnam ETF. Dù vậy, đa số các chuyên gia chứng khoán đều chung quan điểm là danh mục của quỹ sẽ được bảo toàn.
Đối với dòng tiền trong nước, lực đỡ đến từ tâm lý lạc quan chung khi thị trường vừa trải qua những tháng giao dịch sôi động. Nhưng quan trọng hơn, dòng tiền trong nước dự báo sẽ còn tiếp tục được tiếp sức bởi các ngân hàng. Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, dòng vốn khả dụng của thị trường tiền tệ hiện khá dư thừa. Đặt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 5 tháng qua khá thấp, bình quân chỉ tăng 1%/tháng, cơ hội cho chứng khoán tiếp nhận nguồn tiền này khá lớn. Hiện tại, bên cạnh vốn tự có, nhà đầu tư trong nước có thể vay tiền để đầu tư chứng khoán dưới hình thức vay ký quỹ (margin). Theo Công ty Chứng khoán HSC, lượng margin trên thị trường hiện vào khoảng 21.000-22.000 tỉ đồng.
Thị trường còn trông đợi các lực đỡ từ chính sách. Chẳng hạn, Thông tư 203, có hiệu lực từ 1.7, cho phép nhà đầu tư được giao dịch trong ngày và bán chứng khoán bất kể chứng khoán đã về tài khoản hay chưa. HSC cho rằng, động thái này sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng đáng kể. Động lực cho thị trường 6 tháng cuối năm kỳ vọng nhiều ở các sản phẩm như chứng khoán phái sinh, chỉ số chung của 2 sàn giao dịch. Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đánh giá, các sản phẩm phái sinh sẽ giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro, có nhiều cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận hơn.
Nhà đầu tư vào cổ phiếu bất động sản và ngân hàng có thêm niềm vui từ Thông tư 06 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành theo hướng điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay bất động sản, chỉ tăng lên 200% thay vì lên 250% như bản dự thảo trước đó. Ngoài ra, thời gian áp dụng cũng được giãn ra đáng kể đến đầu năm 2017, tạo thuận lợi cho các ngân hàng hiệu chỉnh lại các khoản cho vay. Nhưng các chuyên gia lưu ý tác động tích cực của chính sách đã ít nhiều phản ánh vào đà tăng thị trường thời gian qua.
Trở lực cho đà tăng chứng khoán 6 tháng còn lại của năm 2016 còn là lo ngại chứng khoán thiếu vắng các yếu tố cơ bản hỗ trợ. Chẳng hạn, giá dầu thô đã chạm ngưỡng cản 50-52 USD/thùng, một ngưỡng nhạy cảm nên việc giá dầu có thể hỗ trợ thị trường đi lên thời gian tới là rất khó. Hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng nâng lãi suất trở lại, dễ khiến tỉ giá, lãi suất trở nên nóng hơn. Trong khi đó, những tin tức mong chờ nhất, dự báo sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền đầu tư chứng khoán như định nghĩa lại nhà đầu tư nước ngoài, giao dịch T+0, nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức thị trường mới nổi... lại chưa có dấu hiệu sẽ xuất hiện ngay trong năm nay. HSBC còn lo ngại khi chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế càng lớn, càng nhiều rủi ro đang chờ đón Việt Nam vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng: dự trữ ngoại hối thấp, ngành ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với hậu quả khủng hoảng tài chính trong nước năm 2011, lạm phát tuy nằm trong vòng kiểm soát nhưng vẫn tăng đều...
Vì thế, dù tin tưởng chứng khoán vẫn sẽ tăng trong những tháng còn lại của năm, nhưng các công ty chứng khoán cũng cho rằng sẽ khó chinh phục được mức đỉnh cũ 640 điểm của VN-Index.
Viết Nguyên