Vissan đang đi “kén rể” ra sao?
Vốn là “con cưng” của Tổng Công ty Thương mại Sài gòn Satra và là một doanh nghiệp nhà nước nổi bật ở lĩnh vực thực phẩm, Công ty Vissan vẫn giữ vững vị thế với nhiều yêu cầu khắt khe khi thông báo mời gọi nhà đầu tư chiến lược. Liệu Vissan có thể tìm được đối tác ưng ý?
Tiêu chuẩn “kén rể”
Bắt đầu từ năm ngoái, chiến lược cổ phần hóa của Vissan đã được đưa ra xem xét. Nhưng phải đến đầu năm nay, Vissan mới chính thức chốt được tỉ lệ cổ phần nhà nước bán ra là 11,33 triệu cổ phiếu, tương đương 14% vốn điều lệ Công ty. Giá khởi điểm là 17.000 đồng/cổ phiếu.
Vissan là một doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm với thương hiệu 45 năm trên thị trường. Ngoài 130.000 điểm bán trên cả nước, Công ty còn xuất khẩu ra nước ngoài. Hằng năm, Vissan đạt tổng doanh thu trung bình 4.500 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%/năm. Trong một lần chia sẻ với báo chí, Tổng Giám đốc Văn Đức Mười cho biết Vissan không bị gánh nặng chi phí tài chính là nhờ có phương án sản xuất kinh doanh tốt, nên ngân hàng tin tưởng cho vay với lãi suất rất thấp và không thế chấp.
Có thể thấy, Vissan vốn không thiếu tiền. Nhưng điều mà họ cần lúc này là một đối tác cùng chí hướng đẩy mạnh thương hiệu Vissan. Vì thế, các công ty và tập đoàn tài chính sẽ không phải là đối tác mục tiêu của Công ty. Mặt khác, trong điều khoản tìm nhà đầu tư, Vissan cũng đã nêu rõ mong muốn với những đòi hỏi cao.
Ví dụ, đối tác phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, có chức năng, ngành nghề kinh doanh phù hợp với Vissan. Đối tác còn phải có uy tín, kinh nghiệm, năng lực nhằm mục đích tạo nên giá trị cộng hưởng với Vissan. Ngoài ra, họ phải đáp ứng được các năng lực tài chính như vốn chủ sở hữu niên độ tài chính năm 2015 tối thiểu 1.000 tỉ đồng, không lỗ trong 3 năm 2012-2014 và không có lỗ lũy kế tính tới ngày 30.9.2015, tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 1,5 lần, không vi phạm pháp luật và cam kết gắn bó với Vissan không dưới 5 năm.
Cũng phải nói thêm, giá trị cộng hưởng mà Vissan nhắc đến là khả năng phát triển chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Ðây là mục tiêu mà Công ty mong muốn thực hiện từ nhiều năm nay nhưng đang cố gắng hoàn thành. Vì thế, một trong những mục tiêu của lần “kén rể” này là nhằm đẩy mạnh thực hiện chuỗi khép kín và chuỗi cung ứng thịt sạch. Giữa năm 2015, để chuẩn bị cho cổ phần hóa, Vissan đã hợp tác với Công ty De Heus và Công ty Fresh Studio Innovations Asia phát triển chuỗi cung ứng heo sạch, có thể truy xuất nguồn gốc.
Rể nào hấp dẫn?
Đầu năm 2015, khi biết tin Vissan sẽ cổ phần hóa, lãnh đạo Tập đoàn CJ CheilJadang Corporation (Hàn Quốc) đã bày tỏ mong muốn được tham gia làm đối tác, bởi Vissan hội đủ những tiêu chí mà CJ cần.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, CJ đã thành lập Công ty CJ Vina Agri chuyên sản xuất, kinh doanh cám gia súc, gia cầm và thủy sản tại Việt Nam từ năm 1999. Công ty này hiện có 3 nhà máy tại Long An, Hưng Yên, Vĩnh Long và một trại giống ở Bình Dương.
Có thể nói, CJ đã tham gia đầu tư bài bản vào lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam. Vì thế, việc hợp tác với Vissan sẽ giúp CJ tiến sâu hơn vào ngành chăn nuôi từ việc cung cấp con giống, thức ăn cho đến khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra, chế biến. Ðây là những khâu Vissan chưa hoàn chỉnh. Thêm vào đó, CJ cũng khẳng định sẽ hỗ trợ để đưa Vissan phát triển mạnh hơn ở thị trường trong nước và quốc tế với hình thức xuất khẩu bằng thương hiệu Vissan.
Tuy nhiên, đây hoàn toàn là ý muốn của CJ. Còn phía Vissan vẫn đang trong thời gian chờ những “chàng rể” thật sự tiềm năng. Không từ chối và cũng chưa gật đầu CJ, Vissan vẫn bỏ ngỏ cơ hội cho nhà đầu tư khác tìm đến. Chọn nhà tư vấn chuyên nghiệp là Công ty Chứng khoán Bản Việt, có lẽ điều Vissan quan tâm nhất hiện nay là làm sao để không “định giá hố”. Bởi việc định giá thấp hơn thực tế sẽ gây thất thoát tài sản nhà nước và khiến người lao động ở Vissan chịu thiệt.
Theo thông tin từ Vissan, hiện có nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến việc trở thành cổ đông chiến lược của Công ty. Vì thế, Vissan cần xem xét kỹ bởi mục tiêu tìm đối tác chiến lược lần này phải nhắm đến một đối tác có nguồn lực tốt, cùng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất.
Cụ thể, Vissan sẽ đầu tư cơ sở sản xuất tại miền Trung, miền Bắc và một số khu vực có tiềm năng khác trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, đối tác sẽ cùng Vissan phát triển kênh phân phối bán lẻ thịt tươi sống và chuỗi cửa hàng thực phẩm, nâng cấp cửa hàng với hệ thống nhận diện chuyên biệt, chuyển hình thức hoạt động và quản lý chuỗi cửa hàng thực phẩm sang mô hình trung tâm chuyên kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt là việc tập trung đầu tư cụm công nghiệp chế biến Vissan và xây dựng vùng chăn nuôi gia súc chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc.
Với sự cẩn trọng của Vissan, có thể động thái quá “ao ước” của CJ sẽ là một bất lợi, bởi hiện có rất nhiều đối tác khác cũng quan tâm cổ phần của Vissan. Và Vissan lại càng có cơ hội “làm kiêu” với những đối tác khác.
Từ trước đến nay, trong các cuộc mua bán, thông thường người mua tỉ mỉ chọn hàng tốt còn người bán phải ở thế cầu cạnh. Nhưng khi một doanh nghiệp nhà nước kinh doanh tốt, họ chắc chắn có quyền đòi hỏi ngược lại. Ðó chính là câu chuyện của Vissan. Vì thế, sự kén chọn của Vissan không phải là lạ. Và cũng phải là một đối tác xuất sắc mới may mắn lọt vào mắt xanh của công ty này.
Mai Hân