Visa: Thanh toán không tiếp xúc bùng nổ tại Việt Nam
Theo báo các của Visa, tổng số lượng giao dịch không tiếp xúc tại Việt Nam đang tăng với tốc độ ổn định ở mức 44% mỗi tháng trong giai đoạn từ 7/2017 đến 5/2018. Đồng thời, tổng giá trị giao dịch qua thẻ Visa không tiếp xúc vẫn tiếp tục tăng đều 43% mỗi tháng.
Tiến tới mục tiêu xã hội không tiền mặt, các phương thức thanh toán phi tiền mặt đang có lợi thế từ chính sách lẫn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao trong cơ cấu dân số chính là nền tảng bền vững cho việc phát triển công nghệ thanh toán không tiếp xúc. Tỷ lệ sở hữu smartphone của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức 58,5% vào năm 2021 (PwC).
Theo khảo sát người tiêu dùng của Visa, hơn một nửa người Việt đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai. Trong đó, sản phẩm thời trang và làm đẹp là nhóm mặt hàng chính được thanh toán bằng phương thức không tiếp xúc.
Ông Sean Preston, Giám Đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết: "Người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ và cả các tổ chức tài chính tại Việt Nam đang nắm bắt rất tốt các khái niệm phi tiền mặt. Hiện nay, chúng tôi đang ghi nhận những tín hiệu cực kì tích cực trong việc đón nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam. Cụ thể, người Việt đang dần hiểu rõ hơn về những lợi ích, tính bảo mật và sự tiện lợi màcông nghệ nàymang lại trong các giao dịch hằng ngày”.
Hiện tại, có ba ngân hàng đã hợp tác cùng Visa để phát hành thẻ thanh toán không tiếp xúc. Công nghệ thanh toán không tiếp xúc đã được áp dụng tại các nhà hàng, siêu thị và các đơn vị bán lẻ như KFC, Saigon Coop, BigC và Nguyễn Kim.
Ông Preston cũng cho biết kế hoạch thúc đẩy mở rộng nhanh phương thức thanh toán không tiếp xúc trong tương lai, thông qua tiếp tục mở rộng hợp tác với các ngân hàng và đơn vị bán hàng. Đồng thời, Visa cũng giúp hỗ trợ các tổ chức tài chính thông qua mở rộng các phương thức thanh toán mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Phương thức thanh toán không tiếp xúc phát triển rất nhanh tại Việt Nam cũng như các nước có dư địa phát triển phi tiền mặt lớn, như Trung Quốc, trong các năm gần đây. Động lực chính của sự phát triển ấn tượng này đến từ các fintech và bigtech lấn sân sang nghiệp vụ của các tổ chức tài chính. Đơn cử như ứng dụng của hai bigtech là AliPay và WeChat có số lượng sử dụng trung bình cao gấp 7 lần ứng dụng của cả 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cộng lại.
Thị trường châu Á- Thái Bình Dương đang chiếm 23% tổng số lượng thanh toán toàn cầu của Visa. Còn số này còn khá ít so với dân số của khu vực này, vốn là khu vực có dân số đông nhất thế giới. Tiềm năng nằm ở chỗ còn 55% giao dịch tại đây vẫn đang sử dụng tiền mặt trong tổng doanh số sử dụng của toàn thị trường là 11 nghìn tỷ USD. Điều này tương đương với dư địa phát triển của nền kinh tế phi tiền mặt là 6,1 nghìn tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.