Giới thiệu các giống gạo ngon tại Việt Nam. Ảnh: Quý Hoà

 
Minh Đức Thứ Hai | 28/09/2020 08:00

“Visa EVFTA” cho gạo Việt

EVFTA thực sự là hiệu lệnh cho một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất gạo của Việt Nam.

EVFTA thực sự là hiệu lệnh cho một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất gạo của Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, thời gian qua, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành gạo đi xuống vì kết quả kinh doanh nửa đầu năm không mấy sáng sủa. Vì vậy, triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU là thông tin được ví như liều thuốc “cứu giá” cho cổ phiếu gạo cũng như tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gạo.

Mở cánh cửa mới

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8, EU dành cho Việt Nam là hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; sau 3-5 năm, thuế suất cho sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.

Để bước vào cánh cửa EU, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đạt chứng nhận "gạo thuộc một trong những chủng loại được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan của EVFTA”. Chẳng hạn, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã phát triển sản phẩm từ một trong những giống lúa được kiểm soát chất lượng từ khâu chọn giống, canh tác bằng công nghệ Nhật cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An xây dựng được cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ.

 

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho biết đã đầu tư tập trung cho việc trồng và kiểm soát chất lượng cho thị trường EU từ năm 2018. Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn bao gồm Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451... vào thị trường này với nhiều quy cách đa dạng.

"Chất lượng sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của nông sản Việt nói chung và mặt hàng gạo nói riêng khi xuất khẩu vào EU. Vì vậy, doanh nghiệp xác định phải chú trọng kiểm soát chất lượng trên khắp các vùng nguyên liệu và cơ sở sản xuất, chế biến", ông Thòn cho biết. Lộc Trời đang tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 hợp tác xã liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất trên 15.800 tấn gạo sang EU, giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Cần một cuộc cách mạng

Dù giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU cao, bình quân khoảng 700 USD/tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này những năm qua vẫn còn rất khiêm tốn. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU đạt khoảng 5,6 triệu USD, con số này của năm 2019 là 10,7 triệu USD.

Dù có lợi thế về giá và chất lượng nhưng gạo Việt vẫn chưa tạo lợi thế cạnh tranh lớn ở EU so với các đối thủ như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ hay Trung Quốc. Từ nhiều năm qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng để khắc phục điểm yếu này là chiến lược xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường châu Âu. Vì phần lớn gạo Việt Nam hiện vẫn xuất khẩu dưới dạng bao lớn và đóng nhãn nhà nhập khẩu.

 

Các giống OM5451, ST20, RVT, VD20, OM4900, Hương Nhài 85, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan, chiếm khoảng 43-46% tổng lượng gạo xuất khẩu hằng năm với trên 3 triệu tấn. Tuy nhiên, các giống gạo này chưa có tên tuổi trên thị trường quốc tế.

Việt Nam đã có chiến lược phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tham vọng đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong nỗ lực này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm Thái Lan xây dựng thương hiệu cho Hom Mali Thái trở thành “loại gạo ngon nhất thế giới”. Chính phủ Thái ban hành nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho chiến lược xây dựng thương hiệu gạo Thái như gạo phải được trồng ở Thái Lan và có chứng nhận của cơ quan nông nghiệp, mỗi hạt có chiều dài không dưới 7 mm, chiều rộng không nhỏ hơn 3 mm, hàm lượng tinh bột phải trong khoảng 12-19% và độ ẩm không được vượt quá 14%... Theo đuổi con đường xây dựng thương hiệu cho gạo Malys Angkor, Campuchia cũng đã bước vào nhóm top 5 xuất khẩu gạo vào EU. Trong nửa đầu năm 2020, Campuchia đã thu về hơn 264 triệu USD nhờ xuất khẩu 397.660 tấn gạo, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới, Việt Nam không thiếu gạo ngon để cạnh tranh với các nước. Việt Nam từng có giống gạo đạt vị trí cao trên trường quốc tế như ST24, AGPPS 103... 

 

Xuất khẩu sang EU là một hành trình duy trì bền bỉ các quy chuẩn nghiêm ngặt. Thực tế, nhiều mặt hàng nông nghiệp, thủy sản xuất sang EU năm 2019 không những không tăng mà còn giảm 13,09% do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí bị trả về. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất.

Ảnh: baophunuthudo.vn
Lễ công bố xuất khẩu gạo thơm Lộc Trời vào thị trường EU. Ảnh: TL

Những hạn chế của gạo và nông sản Việt Nam cho thấy, EVFTA không phải là cây đũa thần để đưa ồ ạt hàng Việt vào thị trường EU. Dù vậy, đây là khởi đầu rất tốt cho hạt gạo Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị trường nhiều tiềm năng EU. Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... EVFTA theo đó thực sự trở thành hiệu lệnh để Việt Nam làm cuộc cách mạng toàn diện về nông nghiệp.