Ảnh: TL.

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 24/05/2021 08:30

Virus lạm phát

Không chỉ lo tác động tới tăng trưởng kinh tế, đợt dịch lần thứ 4 còn có thể ảnh hưởng tới cả khả năng kiểm soát lạm phát.

Không chỉ lo tác động tới tăng trưởng kinh tế, đợt dịch lần thứ 4 còn có thể ảnh hưởng tới cả khả năng kiểm soát lạm phát.

Các chuyên gia của World Bank khuyến cáo đợt dịch thứ 4 sẽ khiến các hoạt động kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng, nhất là các lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ. Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca dương tính đã cao nhất trong tất cả các đợt dịch tại Việt Nam kể từ năm ngoái tới nay và lan rộng 30 tỉnh, thành. Đặc biệt, dịch bệnh đã lây lan ở một số khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, khiến sản xuất bị đình trệ, nhất là một nhà cung ứng của Samsung.

Tuy quý I năm nay, Việt Nam cũng có đợt bùng phát dịch vào cuối tháng 1, song được kiểm soát nhanh chóng và mức độ ảnh hưởng không lớn. Do đó, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 4,48% trong quý I. Thực tế, Chính phủ có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh nên kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn. 

 

Sung Eun Jung, chuyên gia kinh tế của Oxford Economics, cho biết: “Việt Nam và Singapore đều được hưởng lợi từ sản lượng sản xuất mạnh mẽ và sự mở rộng trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ. Hai nước cũng có hồ sơ tốt hơn về việc ứng phó COVID-19 bùng phát trong nước. Điều này sẽ giúp duy trì sự phục hồi liên tục của nhu cầu trong nước”.

Tuy vậy, World Bank khuyến nghị nếu duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ Việt Nam cần xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Không chỉ là nỗi lo tác động tới tăng trưởng kinh tế, đợt dịch này còn có thể ảnh hưởng tới cả khả năng kiểm soát lạm phát ở Việt Nam, cho dù vào thời điểm cuối tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng chỉ tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2021.

Diễn biến thị trường cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 4, giá năng lượng (dầu thô và than đá) toàn cầu tăng 30%, giá hàng hóa khác (phi năng lượng) tăng 16%, trong đó giá lương thực tăng 16%, giá phân bón tăng 24% và giá kim loại, khoáng chất tăng 25%... Đáng chú ý, chỉ từ đầu năm đến nay, giá sắt thép trong nước đã tăng 40-50% khiến ngành xây dựng điêu đứng. Với tư cách là một nước nhập khẩu khá nhiều, việc tăng giá những mặt hàng này có tác động không nhỏ lên mặt bằng giá cả nói riêng và lạm phát nói chung trong ngắn hạn. 

 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lạm phát tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là nền tảng vĩ mô, tỉ giá cơ bản ổn định, cộng với đà kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 5 năm qua, quan hệ cung - cầu ngoại tệ khá ổn, thị trường vàng được kiểm soát tốt hơn. Nhóm dự báo CPI bình quân 6 tháng đầu năm của Việt Nam sẽ tăng 1,85-2% so với cùng kỳ năm 2020 và CPI bình quân cả năm 2021 tăng khoảng 3,4-3,6% so với năm trước (thấp hơn so với dự báo của World Bank, IMF…), nhưng cao hơn so với mức dự báo tăng 3% của Citi Research.

Ảnh: vietnamese.googleblog.com
Ảnh: vietnamese.googleblog.com

Trên thế giới, các chuyên gia vẫn cảnh báo các gói kích thích kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch cùng với nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén có nguy cơ khiến lạm phát và lãi suất tăng mạnh, cản trở quá trình phục hồi kinh tế. Chẳng hạn, lạm phát của Mỹ đang tăng vọt (CPI  tháng 4 của Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008), khiến các nền kinh tế châu Á không khỏi lo ngại. Xu hướng này được dự báo cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Theo đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực khuyến cáo, không chủ quan với lạm phát, tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực, tiếp tục nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao; tiếp tục các biện pháp chấn chỉnh hiện tượng sốt giá bất động sản đất nền vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý đầu tư, tâm lý thị trường; ngăn chặn, răn đe, xử phạt các hành vi thao túng, tạo cung cầu ảo, thổi giá của giới đầu cơ; nghiên cứu áp thuế tài sản, thuế bất động sản...