Thứ Năm | 17/09/2015 09:30

Vĩnh Hoàn vững bền với cá tra

Trong thời điểm nhiều công ty thủy sản gặp khó khăn về đơn hàng và thị trường xuất khẩu thì Vĩnh Hoàn lại mở rộng quy mô sản xuất.

Quyết định quay về với cốt lõi là sản xuất chế biến cá tra sau khi bán nhà máy sản xuất thức ăn và nhà máy gạo, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố chào mua cổ phần của Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long ngay trong thời điểm nhiều doanh nghiệp cá tra lao đao vì đơn hàng xuất khẩu giảm.

Trung thành với cá tra

Vĩnh Hoàn đã đăng ký chào mua công khai 32,72% vốn của Cửu Long. Lượng cổ phiếu này hiện do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Nguồn tiền để chào mua cổ phiếu Cửu Long được Vĩnh Hoàn trích từ lợi nhuận giữ lại vào cuối năm 2014. Khoản lợi nhuận chưa phân phối là 725 tỉ đồng. Cũng phải nói thêm, hiện tài chính của Vĩnh Hoàn là khá dồi dào sau khi họ bán nhà máy thức ăn chăn nuôi Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác Pilmico International vào giữa năm ngoái, thu về 414 tỉ đồng tiền mặt.

Vào hồi tháng 6 vừa qua, Vĩnh Hoàn cũng đã bán nhà máy gạo theo dạng trao đổi tài sản ngang giá với một nhà máy sản xuất cá tra do Nhà nước nắm giữ. “Trong thương vụ đó, Vĩnh Hoàn còn thu lại chút tiền mặt dư”, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn, nói.

Ngay sau khi gần như hoàn tất thủ tục bán nhà máy gạo, bà Khanh từng cho biết Công ty sẽ tập trung trở lại lĩnh vực cốt lõi, hướng đến đầu tư thêm dây chuyền sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. “Muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án này, giải pháp nhanh nhất chính là mua lại nhà máy sản xuất cá tra đã ngừng hoạt động. Đó là lý do vì sao Vĩnh Hoàn lại quyết định chào mua cổ phiếu của Cửu Long trong thời điểm này”, bà giải thích.

Còn theo thông tin đưa ra từ website của Vĩnh Hoàn, việc mua cổ phần của Cửu Long là nhằm mở rộng ngành hàng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng đối tượng khách hàng, gia tăng doanh thu từ đó tạo được công ăn việc làm ổn định cho người lao động, gia tăng lợi nhuận cho Công ty.

Nhìn lại thực trạng của Cửu Long, sẽ hiểu vì sao Vĩnh Hoàn lại chọn mua công ty này. Trước đây, Cửu Long cũng từng niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, Công ty đã bị bắt buộc phải hủy niêm yết sau khi thua lỗ liên tiếp trong giai đoạn 2012-2013. Cụ thể, doanh thu năm 2012 của Cửu Long đạt 988 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận ròng âm 8 tỉ đồng; còn doanh thu năm 2013 lên đến 1.000 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận ròng tiếp tục âm ở mức 79 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long có trụ sở tại tỉnh Trà Vinh. Trong cơ cấu cổ đông ở thời điểm tháng 6.2015, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Bang sở hữu 4,48% vốn. Vị này cũng là người đại diện 32,72% vốn của SCIC. Còn lại không có cổ đông lớn nào. Sản phẩm của Cửu Long hiện được xuất khẩu sang khá nhiều thị trường như châu Âu, Nhật, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Úc, Singapore... với các mặt hàng tôm đông lạnh, cá đông lạnh và nhiều loại hàng giá trị gia tăng. Năng lực sản xuất của nhà máy Cửu Long đạt trung bình 7.500 tấn thành phẩm/năm.

Sau khi hủy niêm yết vào năm 2014, Cửu Long kinh doanh có khá hơn nhưng chưa thực sự hiệu quả. Doanh thu năm 2014 dù đạt 867 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 10 tỉ đồng. Dự kiến trong năm nay, Cửu Long sẽ có doanh thu 639 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 8 tỉ đồng. Hiện chưa biết giá chào mua của Vĩnh Hoàn là bao nhiêu, nhưng giá cổ phiếu của Cửu Long trước khi rời sàn là 3.400 đồng/cổ phiếu.

Lợi thế của Vĩnh Hoàn

Trên thực tế, tình hình xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang châu Âu hiện đã giảm hơn 17%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn lại không dám xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ vì sợ bị áp thuế chống bán phá giá quá cao.

Ví dụ, trong đợt xem xét sơ bộ thuế chống bán phá giá cá tra sang Mỹ do Bộ Thương mại nước này công bố, nhiều doanh nghiệp lớn đã bị vướng thuế 0,58% như Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng, Cadovimex 2, Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải xuất khẩu sang thị trường khác vì với mức thuế này, việc xuất khẩu cá tra sẽ không có lợi nhuận.

Lúc này, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lại tìm hướng bán hàng vào Trung Quốc hay Thái Lan. Bằng chứng là tính đến tháng 6 vừa qua, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tỉ giá đang gây khó cho nhiều doanh nghiệp. Tiền đồng Việt Nam dù đã giảm giá (so với USD) nhưng đồng tiền nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ,  Indonesia, Malaysia... lại giảm mạnh hơn. Những nước này lại là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu thủy sản với Việt Nam. Vì thế, trong khi giá xuất khẩu Việt Nam vẫn ở mức cao thì giá xuất khẩu thủy sản của các nước này thấp hơn rất nhiều, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt tiếp tục thua lỗ.

Trong thời điểm nhiều công ty thủy sản gặp khó khăn về đơn hàng và thị trường xuất khẩu thì Vĩnh Hoàn lại mở rộng quy mô sản xuất. Bà Khanh từng cho biết ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty luôn hướng đến xây dựng thương hiệu tốt tại các nước xuất khẩu. Thế nên dù ngành cá tra nói chung có trở ngại, Vĩnh Hoàn vẫn giữ được nhiều khách hàng lâu năm và đang tiếp tục mở rộng đơn hàng sang nhiều nước châu Âu.

Hiện Vĩnh Hoàn vẫn được xuất khẩu cá tra sang Mỹ với mức thuế 0%. Chính vì lợi thế này, Công ty vẫn giữ sản lượng xuất khẩu ổn định trong suốt mấy năm vừa qua. Theo bà Khanh, vào tháng 4.2015 vừa qua, Công ty đã đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu vào thị trường châu Âu và đầu tư xây dựng thương hiệu tại đây. Trong nhóm 10 công ty thủy sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tính đến tháng 7.2015, Vĩnh Hoàn vẫn giữ vị trí đứng đầu.

Thanh Hương