Vĩnh Hoàn quay về với con cá
Sau thời gian dài đầu tư chuỗi chăn nuôi khép kín và kinh doanh ngoài ngành, gần đây Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ( VHC) lại quyết định bán nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy gạo để quay về với cốt lõi chế biến cá tra. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh mảng thức ăn chăn nuôi đã giúp Vĩnh Hoàn quyết định giá đầu ra cho cá tra, còn ngành gạo từng được họ đặt nhiều niềm tin trong năm 2015.
Chia tay ngành gạo
“Ðến thời điểm này, mọi giao dịch bán nhà máy gạo gần như đã hoàn tất và chỉ còn vướng ở khâu thủ tục giấy tờ”, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn, khẳng định.
Nhà máy gạo của Vĩnh Hoàn được bán theo dạng trao đổi tài sản ngang giá với một nhà máy sản xuất cá tra do Nhà nước nắm giữ. Hiện Công ty đã cho sản xuất tại nhà máy cá tra này.
Theo chia sẻ của bà Khanh, gạo là dự án đầu tư ngoài ngành của Vĩnh Hoàn nên cần vốn và nhân sự lớn. Thế nhưng, định hướng của Công ty sắp tới lại là tập trung tăng doanh thu và lợi nhuận, vì thế phải tiến hành thoái vốn. Theo báo cáo tài chính của Vĩnh Hoàn, năm 2012, biên lợi nhuận của Công ty là 5,8%. Tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 3% vào năm 2013.
Còn nhớ, thời điểm năm 2008-2011, ngành gạo được xem là có nhiều tiềm năng khi sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng nhanh. Đặc biệt từ cuối năm 2010, nhu cầu tiêu thụ gạo đồ (loại gạo có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao hơn gạo trắng, giá trị xuất khẩu từ 30-50 USD/tấn) trên thế giới cũng tăng nhanh. Chính vì thế, Vĩnh Hoàn đã quyết định đầu tư nhà máy gạo lớn tại Đồng Tháp vào năm 2011, mục tiêu nhắm đến là xuất khẩu gạo đồ.
Năm 2012, Vĩnh Hoàn có 2 nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo đồ đạt chuẩn ở Lấp Vò (Đồng Tháp). Thậm chí, Công ty cũng đã sớm tính đến phương án triển khai mô hình canh tác khép kín sản phẩm gạo vào năm 2015. Thế nhưng, thị trường gạo bất ngờ giảm sút nhanh chóng khiến Vĩnh Hoàn không thu được nhiều lợi nhuận từ ngành này.
Cụ thể, năm 2013 gạo chỉ mang về cho Vĩnh Hoàn khoảng 1,3 tỉ đồng doanh thu trên tổng doanh thu 5.200 tỉ đồng. Bà Khanh cho biết do nhà máy gạo đầu tư ngay trong giai đoạn khó khăn, nên Công ty cần 2-3 năm ổn định quy mô và thị trường. Tuy nhiên, ngành gạo Việt Nam lại đang trên đà tụt giảm cả về mặt bằng chất lượng lẫn sản lượng xuất khẩu. Giá xuất khẩu cũng bị cạnh tranh bởi các nước khác nên hầu như doanh nghiệp xuất khẩu gạo không có lợi nhuận nhiều.
“Vĩnh Hoàn đang tập trung để tăng biên lợi nhuận trong năm tới. Bán 1 nhà máy gạo, sắp tới Công ty sẽ mở thêm 2 nhà máy sản xuất cá tra mới. Trong đó, 1 nhà máy dành riêng sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng như surimi hay chả cá tra”, bà Khanh nói.
Trước đó, cuối năm 2014, Vĩnh Hoàn đã bán công ty con Vĩnh Hoàn 1 chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho Pilmico International (Philippines) và mua lại Công ty Vạn Đức Tiền Giang để gia tăng công suất chế biến cá tra. Ngay sau đó, Công ty tiếp tục bỏ ra 30 tỉ đồng thành lập Công ty Vĩnh Hoàn Hậu Giang, chuyên phân phối thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cho đối tác Philippines nói trên.
Rời xa thức ăn chăn nuôi
Hãy trở lại câu chuyện Vĩnh Hoàn bán nhà máy thức ăn chăn nuôi Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác Pilmico International hồi cuối năm ngoái. “Với thương vụ này, Công ty đã thu về một khoản lợi nhuận lớn và cũng coi như giải quyết được bài toán rủi ro. Bởi vì năm nay, các nhà máy thức ăn chăn nuôi đang gặp khó khăn”, bà Khanh cho hay.
Chính nhà máy thức ăn Vĩnh Hoàn 1 từng giúp Vĩnh Hoàn bảo toàn lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn. Năm 2008, sau quá trình nghiên cứu và nhận thấy chi phí thức ăn cho cá đã chiếm đến 70% giá thành sản phẩm, Vĩnh Hoàn quyết định thành lập Vĩnh Hoàn 1. Nhà máy này giúp Công ty khép kín quy trình sản xuất cá tra, giảm giá thành và tận dụng nguồn phụ phẩm. Bằng chứng là trong giai đoạn 2009-2010, trong khi một số doanh nghiệp cá tra đầu ngành khác đi xuống do những tác động của thị trường cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu, Vĩnh Hoàn luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 20%.
Tuy nhiên, theo bà Khanh, thị trường thức ăn chăn nuôi đã không còn chỗ cho những công ty non kinh nghiệm. “Ðối tác Philippines có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Còn Vĩnh Hoàn thì không thể đầu tư nghiên cứu thêm ở mảng này. Bán nhà máy cho họ, Công ty cũng giảm rủi ro khi phải cạnh tranh giá với quá nhiều đối thủ như hiện nay”, bà Khanh giải thích.
Sau khi bán nhà máy Vĩnh Hoàn 1, Vĩnh Hoàn thu về 414 tỉ đồng. Ðây là một khoản lợi nhuận lớn vì vốn đầu tư ban đầu cho nhà máy này là 90 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, sau khi bán nhà máy cho đối tác Philippines, Vĩnh Hoàn vẫn là nhà phân phối chính thức cho họ. Theo đó, Công ty sẽ tiếp tục được mua thức ăn chăn nuôi từ đối tác này với mức giá rẻ hơn 200-300 đồng/kg so với thị trường. Do Vĩnh Hoàn cũng là trung gian bán cho các đơn vị chăn nuôi khác đúng với mức giá thị trường, nên Công ty vẫn có thêm lợi nhuận.
Thanh Hương