Vĩnh Hoàn nâng tỉ lệ sở hữu tại Sa Giang lên 3,66 triệu cổ phần sau giao dịch, tương ứng 51,29% vốn và trở thành công ty mẹ.Ảnh: TL

 
Minh Anh Thứ Ba | 26/01/2021 15:57

Vĩnh Hoàn mua thành công cổ phần công ty sản xuất bánh phồng tôm Sa Giang

Sau một thời gian ngắm nghía và mong muốn mua lại Sa Giang, vừa qua Vĩnh Hoàn đã chính thức có được công ty này.

Vĩnh Hoàn vốn “mê” Sa Giang

Theo đó, Vĩnh Hoàn nâng tỉ lệ sở hữu tại đây lên 3,66 triệu cổ phần sau giao dịch, tương ứng 51,29% vốn và trở thành công ty mẹ.

Khối cổ phần được Vĩnh Hoàn mua lại từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Kế hoạch thoái vốn tại Sa Giang được SCIC công bố lần đầu vào giữa năm 2019. Giá khởi điểm khi đó là 111.700 đồng mỗi cổ phần, nhưng thương vụ bất thành vì không có nhà đầu tư quan tâm.

SCIC khởi động lại kế hoạch chào bán cạnh tranh cả lô cổ phần tại Sa Giang vào đầu tháng 12.2020 với giá khởi điểm 97.500 đồng mỗi cổ phần. Tính theo mức này, số tiền Vĩnh Hoàn phải chi cho thương vụ khoảng 350 tỉ đồng. Sắp tới, Sa Giang sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để miễn nhiệm một số thành viên Hội đồng Quản trị, ban kiểm soát và bầu thay thế cho nhiệm kỳ 2019-2023.

Ảnh:
Vĩnh Hoàn mua lại Sa Giang từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước Ảnh: thuongtruong.

Sa Gang nhiều lợi thế trong lĩnh vực phồng tôm

Từ tháng 12.2019, SCIC chào bán cạnh tranh cổ phiếu tại Sa Giang tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và thực hiện nguyên lô. Theo quy chế đấu giá này, các nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia mua đấu giá cổ phiếu Sa Giang. Chào bán cạnh tranh được thực hiện khi có từ 2 nhà đầu tư trở lên tham gia. Nhưng chỉ có Vĩnh Hoàn tham gia.

Sa Giang là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1960 tại Đồng Tháp, năm 2004, được cổ phần hóa. Sau đó, phần vốn Nhà nước tại Sa Giang được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp chuyển giao cho SCIC quản lý.

Sản phẩm bánh phồng tôm Sa Giang của Công ty đã nhanh chóng nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm 1960. Từ các loại tôm nước ngọt, nước mặn như: tôm tít, tôm sắt, tôm bạc, tôm nghệ, tôm sú... qua bàn tay chế biến khéo léo đã mang lại hương vị đặc trưng của bánh phồng tôm Sa Giang.

Ảnh: baoanhvietnam
Bánh phồng tôm Sa Giang của Công ty đã nhanh chóng nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm 1960. Ảnh: TL

Ngoài bánh phồng tôm truyền thống, Sa Giang đã phát triển thêm nhiều loại sản phẩm mới như: bánh phồng cua, bánh phồng cá, bánh phồng mực, bánh phồng chay... để đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Ngoài bánh phồng tôm, Công ty còn có các sản phẩm từ gạo và thịt.

Hiện nay, Công ty có 2 nhà máy sản xuất bánh phồng tôm với tổng công suất 9.000 tấn/năm. Năm 2020, Công ty thực hiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với dự án nhà máy thứ 3 có công xuất 6.000 tấn/năm.

Sản phẩm chủ lực của Sa Giang là bánh phồng tôm chiếm 80% tỉ trọng trong cơ cấu doanh thu, bên cạnh các sản phẩm từ gạo hơn 15% doanh thu. Bánh phồng tôm được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với thị trường chủ lực là châu Âu.

Ảnh: kylucgiavietnam
Sa Giang có vốn điều lệ hơn 71 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 111 tỉ đồng, tổng tài sản 181 tỉ đồng. Ảnh: TL

Hiện chưa có doanh thu của cả năm 2020 nhưng theo thông tin 9 tháng đầu năm nay, Sa Giang đạt doanh thu 229 tỉ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 23 tỉ đồng, tăng 9,5%.

Tại thời điểm 30.9, Sa Giang có vốn điều lệ hơn 71 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 111 tỉ đồng, tổng tài sản 181 tỉ đồng. Giá trị sổ sách (BV) của mỗi cổ phiếu đạt 15.558 đồng/cổ phiếu, như vậy tỉ số P/BV đang ở mức 6,3 lần - một con số tương đối cao.

Sa Giang là một trong các doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa cổ phiếu niêm yết tại HOSE vào ngày 5.9.2006 với 4.088.7000 cổ phiếu, mã chứng khoán SGC. Đến 3.6.2009, cổ phiếu SGC chuyển niêm yết sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) do vốn điều lệ không đạt 80 tỉ đồng theo quy định niêm yết mới của HOSE.

►Vĩnh Hoàn qua ngả Alibaba, đưa cá tra vào Trung Quốc