Vĩnh Hoàn có thể tăng 74% lãi ròng
Lợi thế từ thị trường
Trong báo cáo cập nhật vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) sẽ đạt doanh thu 9.061 tỉ đồng, tăng 11,2% và lãi ròng 1.050 tỉ đồng, tăng 73,8%; EPS khoảng 10.462 đồng.
BVSC đưa ra 5 giả định cho kịch bản kinh doanh của VHC. Đó là mức tăng giá cá tra thành phẩm bình quân của VHC là 32%, doanh thu cá tra thành phẩm đạt 6.878 tỉ đồng, tăng 16,14%; doanh thu Collagen và Gelatine tăng 35%; doanh thu phụ phẩm bột cá mỡ cá giảm 18%; mức tăng giá cá nguyên liệu bình quân của VHC là 17,6% so với 2017, cuối cùng, lãi công ty liên kết từ Vạn Đức Tiền Giang đạt 84,6 tỉ đồng.
Theo BVSC, giá cá tra nguyên liệu tăng từ cuối 2017 do ảnh hưởng từ nguồn cung cá giống khan hiếm cùng nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Song, giá bán cá tra thành phẩm của VHC trong năm 2018 còn tăng nhiều hơn mức tăng cá nguyên liệu, qua đó cải thiện mạnh mẽ biên lợi nhuận gộp của công ty.
BVSC dự báo năm 2019, nhiều khả năng nguồn cung cá tra sẽ trở lại và giá cá sẽ giảm nhiệt.
Mặt khác, VHC cũng đang tiến hành đầu tư xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu tại Tân Hưng, Long An và đưa vào thu hoạch lứa cá nguyên liệu đầu tiên trong năm 2019. Dự kiến, vùng nuôi tự chủ này sẽ được khai thác hoàn toàn và nâng mức tự chủ nguyên liệu lên 70% cho VHC vào năm 2020.
Công suất nhà máy Thanh Bình của VHC là 100 tấn nguyên liệu/ngày. VHC sẽ hoàn thành việc nâng công suất nhà máy này lên 150 tấn nguyên liệu/ngày vào cuối năm nay và có kế hoạch tiếp tục nâng tổng công suất lên 300 - 400 tấn nguyên liệu/ngày lần lượt vào cuối năm 2019 - 2020. Kế hoạch đầu tư dài hạn này sẽ giúp tăng năng lực chế biến qua đó thúc đẩy khả năng tăng trưởng của công ty trong những năm tới.
Thế thế từ chiến tranh thương mai
Báo cáo của BVSC cũng cho rằng, cuộc chiến Trung - Mỹ sẽ có lợi cho VHC. Trung Quốc hiện là nhà cung ứng thủy sản lớn nhất cho Mỹ với sản phẩm chủ lực là cá rô phi có giá trị kim ngạch xuất khẩu fillet cá rô phi 2017 đạt 386 triệu USD, chiếm 63% thị phần.
Theo thông báo mới nhất từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc đã bị áp thêm 10% thuế nhập khẩu từ 24.9 và dự kiến sẽ tăng thành 25% từ ngày 1.1.2019. Thuế suất thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, dẫn tới việc giảm sức cạnh tranh của mặt hàng này.
Khi cá tra và cá rô phi là hai sản phẩm có thể thay thế cho nhau do tương đồng về chất lượng, thì BVSC kỳ vọng với lợi thế cạnh tranh về giá, VHC nói riêng và cá tra Việt Nam nói chung sẽ gia tăng được sản lượng của mình tại thị trường Mỹ trong những năm tới.
Tuy nhiên, VHC vẫn sẽ chịu rủi ro cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Theo thống kê từ Vasep, trong năm 2018, Vĩnh Hoàn và Biển Đông là hai công ty cung cấp cá tra chủ yếu tại thị trường Mỹ với tổng thị phần 93% nhờ được hưởng mức thuế suất chống bán phá giá thấp. Theo kết quả sơ bộ của POR14 thì sẽ có thêm 6 doanh nghiệp được giảm thuế chống bán phá giá trong kỳ sau.
Dù VHC là thương hiệu lâu năm, có nhiều đối tác truyền thống và chiếm thị phần lớn trên thị trường Mỹ, nhưng theo BVSC đánh giá, việc có thêm nhóm doanh nghiệp được hưởng thuế suất thấp gia nhập thị trường sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh và ảnh hưởng đến giá bán cũng như thị phần của VHC.