Vingroup tốc hành sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt
Ngày 3.4, Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Đại diện của Vingroup cho biết, 12 giờ trưa ngày 30.3, Lãnh đạo Tập đoàn đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và yêu cầu tất cả các Viện nghiên cứu của Tập đoàn dừng hết các việc hằng ngày, tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất được các loại máy thở. Ngay sau đó, Vingroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho Máy thở Xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời, bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng
“Vingroup có một lợi thế là có 2 Công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử, vì vậy chúng tôi có thể chế tạo đồng thời cả các chi tiết lớn, các chi tiết cơ khí và các chi tiêt khó và hiếm hàng tại thời điểm này như các bo mạch điện tử. Chúng tôi cũng có các kỹ sư thiết kế giỏi để có thể chuyển hóa các thiết kế concept, thiết kế 2D do các hãng cung cấp thành các thiết kế chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của các nhà sản xuất”, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chia sẻ.
Dự kiến các lô linh kiện của máy thở không xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của máy thở xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
“Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Trước mắt, chúng tôi sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch”, ông Nguyễn Việt Quang Tổng giám đốc Vingroup, cho biết.
Hiện nay, công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng. “Vingroup có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên thế giới để gia công thiết bị cho họ, hoặc cung cấp một phần nhu cầu - số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác”, ông Quang cho biết.
Việt Nam hiện đang có một số lợi thế trong việc sản xuất thiết bị y tế trong nỗ lực phòng chống virus gây chết người SARS-CoV-2. Ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc và Việt Nam xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên, Bộ Khoa học - công nghệ đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch bệnh này. Tính đến nay, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã đặt mua kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất.
Đại dịch COVID-19 đang khiến ngành y tế của nhiều nước trong tình cảnh quá tải, đặc biệt là thiếu hụt máy thở cho các bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donanld Trump lần đầu tiên kích hoạt các quyền hạn khẩn cấp để buộc hãng ô tô khổng lồ General Motors sản xuất máy thở. Luật Sản xuất quốc phòng của Mỹ có từ thời chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, cho phép Tổng thống có thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp, kể cả tư nhân, tăng tốc, mở rộng cung ứng các nguồn lực từ ngành công nghiệp của Mỹ để hỗ trợ quân đội, năng lượng, không gian và các chương trình an ninh nội địa.