VinFast thâu tóm General Motors Việt Nam: Đẩy nhanh tham vọng xe Việt
Với thoả thuận hợp tác này, VinFast sẽ sở hữu toàn bộ hệ thống bán hàng của GM trên toàn quốc và hệ thống nhà máy sản xuất Hà Nội.
Tận dụng hệ thống sẵn có của GM Việt Nam
Hãng xe Việt sau khi nhận chuyển nhượng, sẽ triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ôtô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2019.
VinFast cũng tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.
Với việc mua lại hoạt động của GM Việt Nam, hãng xe Mỹ sẽ trở thành đối tác công nghệ của VinFast. Dự kiến đến cuối năm 2018, việc chuyển nhượng các hoạt động của GM Việt Nam, bao gồm nhà máy tại Hà Nội, mạng lưới đại lý ủy quyền và đội ngũ nhân sự sẽ hoàn tất.
Theo thông tin từ GM, hãng sẽ bán bản quyền một mẫu xe cỡ nhỏ toàn cầu cho VinFast sản xuất tại Hà Nội và bán ra thị trường với thương hiệu VinFast.
Mua GM Việt Nam thể hiện mục tiêu phát triển nhanh của VinFast khi tận dụng được nhà máy sẵn có của GM cũng như các công nghệ của hãng xe Mỹ để sản xuất xe nhỏ. Hệ thống 22 đại lý Chevrolet ở khắp 3 miền là cơ sở để VinFast hình thành mạng lưới phân phối sau này. Hiện Chevrolet có 8 hệ thống đại lý miền Bắc, 3 tại miền Trung và 11 tại miền Nam. Mạng lưới bán hàng và dịch vụ thuận tiện là một trong những yếu tố tiên quyết cho các hãng xe nếu muốn thúc đẩy doanh số.
Ông James DeLuca, Tổng giám đốc VinFast, cho biết: “VinFast hướng tới xây dựng hệ sinh thái sản xuất ôtô, gồm các nhà máy lắp ráp, nhà cung cấp và đại lý địa phương cùng một chuỗi các ngành công nghiệp hỗ trợ. Quan hệ đối tác chiến lược với GM đóng vai trò như một chất xúc tác trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn trên, là nhân tố quan trọng trong kế hoạch ra mắt 5 mẫu xe VinFast vào 2019”.
James DeLuca từng là Phó chủ tịch của GM nên vị Tổng giám đốc VinFast hiểu rõ cách thức hoạt động cũng như mục tiêu của mỗi hãng, một cầu nối hiệu quả trong chiến lược của hãng xe Việt. Về phía GM, Barry Engle, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Chủ tịch GM quốc tế, khẳng định: “Việt Nam là thị trường quan trọng với ngành ôtô, chúng tôi đã có đối tác địa phương mạnh nhất - VinFast để cùng phát triển Chevrolet”. Bary Engle cũng hy vọng “mối duyên” mới với VinFast sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc mở rộng số lượng mẫu xe Chevrolet bán tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, các hoạt động bán hàng và dịch vụ xe Chevrolet sẽ diễn ra bình thường như trước đây, việc bảo hành, sửa chữa, linh kiện thay thế được đảm bảo đầy đủ. Thực tế, hướng tiếp cận của Chervolet là sẽ cung cấp phụ tùng thay thế trong ít nhất 10 năm nữa, sau khi một mẫu xe ngừng sản xuất.
Những mẫu xe Chevrolet mới sẽ được bán tại Việt Nam dưới dạng nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, nhà máy sẽ không còn sản xuất xe Chevrolet nữa mà phục vụ các hoạt động khác của VinFast. Gần nhất sẽ là mẫu xe hatchback cỡ nhỏ chạy xăng của VinFast ra mắt vào cuối 2019, phát triển dựa trên bản quyền mua từ GM.
Trước GM, VinFast cũng đã bắt tay với một loạt đối tác lớn trong ngành công nghiệp ôtô như BMW, GM, Magna Steyr, AVL, Pininfarina, EDAG, Bosh, Siemens, với mục tiêu sản xuất ra các dòng xe tiêu chuẩn quốc tế. Hãng công bố sẽ ra mắt hai mẫu xe gồm một sedan và một SUV tại triển lãm Paris Motor Show vào tháng 10 tới tại Pháp, sau đó tới cuối năm hoặc đầu 2019 sẽ tổ chức riêng một show tại Việt Nam để khách hàng tận mắt chứng kiến các sản phẩm. Sang năm 2019, những mẫu xe đầu tiên của VinFast sẽ ra thị trường.
GM gặp khó ở nhiều thị trường
GM đang đứng trước nhiều khó khăn tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc và Australia. Tại Hàn Quốc, GM đang được chính phủ nước này xem xét để chi gần 500 triệu USD để cứu hãng, nếu Tập đoàn Mỹ cam kết sẽ sản xuất trở lại tại Hàn Quốc. GM Hàn Quốc từng là nơi sản xuất chính các dòng xe cỡ nhỏ, tuy nhiên phân khúc này đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nhất là khi Chevrolet rút khỏi châu Âu, giảm xuất khẩu. Vào ngày 20.4 vừa qua, GM Hàn Quốc cho biết việc nộp đơn bảo hộ phá sản là việc không tránh khỏi, nếu hai bên không đạt được thoả thuận về cắt giảm việc làm và trợ cấp.
Công ty GM tại Hàn Quốc vẫn tiến hành các cuộc đàm phán với công đoàn, để thảo luận về việc cắt giảm lợi ích cho người lao động và giảm 680 công nhân nhà máy ở Gunsan, để tiết kiệm khoảng 93 triệu USD. Khoảng 20% trong số 16.000 công nhân của GM Hàn Quốc đã tự nguyện xin nghỉ khi công ty này thông báo sẽ đóng cửa nhà máy Gunsan hồi tháng 2. Số phận của 3 nhà máy khác tại đây đang được đưa ra xem xét.
GM đã thúc giục Chính phủ Hàn Quốc về việc cung cấp tiền mặt để tiếp tục hoạt động tại Hàn Quốc, trong bối cảnh tập đoàn này cắt giảm những hoạt động không có lợi nhuận ở nước ngoài. GM Hàn Quốc đã lỗ ròng 1,1 tỉ USD năm 2017, kéo dài chuỗi thua lỗ 4 năm liên tiếp.
Còn tại Australia, trong báo cáo quý I vừa qua, doanh số các mẫu xe thuộc công ty con của GM đã giảm 29%, đây là mức sụt giảm thấp nhất kể từ 1948 đến nay.
Với kết quả này, thị phần của GM chỉ còn 4,8% trong tháng 3.2018 và chiếm 5,3% thị phần trung bình trong quý 1.2018. Hiện xe đang bán chạy nhất của hãng này tại Australia là Chervolet Colorado, dòng xe bán tải. Mặc dù doanh số dòng này sụt 16% so với cùng kỳ. GM cũng đang thu hẹp khá nhiều mạng lưới phân phối tại thị trường này và trước đó thì đóng cửa nhà máy sản xuất tại Adelaide.
Hiện GM Australia đang chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn thay vì sản xuất tại chỗ như trước đây. Đây cũng là bài toán đang được hãng này tính toán tại thị trường Việt Nam.