Thứ Sáu | 17/01/2014 09:42

Vinatex vay BIDV 600 triệu USD đón "sóng" TPP

VOV.VN-Khoản vốn này được Vinatex dùng để thực hiện đầu tư, mở rộng, chiều sâu và đổi mởi công nghệ hướng tới thị trường TPP.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa ký thỏa thuận hợp tác về việc BIDV thực hiện tài trợ vốn và dịch vụ cho Vinatex thực hiện đầu tư, mở rộng, chiều sâu và đổi mởi công nghệ hướng tới kế hoạch Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lễ ký kết diễn ra tại Quy Nhơn, Bình Định

Theo đó, BIDV cam kết tài trợ Vinatex gói tín dụng với doanh số cấp tín dụng lên tới 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016. Gói tín dụng này gồm 2 cấu phần: Vốn vay ngắn hạn 250 triệu USD cho mục đích bổ sung vốn lưu động, tài trợ xuất nhập khẩu và các nhu cầu vay ngắn hạn khác; Vốn vay trung dài hạn 350 triệu USD tài trợ các dự án đầu tư của Vinatex và các đơn vị thành viên. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho chương trình đầu tư cụm công nghiệp Sợi – Dệt – Nhuộm – May – Xuất khẩu và Trung tâm siêu thị thương mại tại Bình Định.

Trước đó, Vinatex đã đề xuất tỉnh Bình Định khả năng đầu tư khép kín một khu công nghiệp theo quy trình: từ nguyên liệu -> công nghệ dệt -> sản xuất đồ dùng may mặc -> xuất khẩu hàng hóa -> cung ứng đến các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước.

Tỉnh Bình Định nghiên cứu khả năng cung ứng một vùng nguyên liệu khoảng 60.000 ha, nếu tính cả các tỉnh lân cận, tổng diện tích vùng ước đạt khoảng 100.000 ha. Đây sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu to lớn, dồi dào cho khoảng 30.000 tấn sợi với tổng mức đầu tư khoảng 120 triệu USD.

Ngoài ra, Vinatex sẽ nghiên cứu khả năng đầu tư một nhà máy dệt nhuộm công suất 60 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 100 triệu USD/năm và đầu tư từ 8-10 nhà máy may mặc, xuất khẩu với tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD và đề xuất xây dựng chuỗi các siêu thị, kênh bán hàng trực tiếp tại Thành phố Quy Nhơn, các thị xã, thị tứ trong tỉnh.

Nếu TPP góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may sẽ đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Qua đó phát huy vai trò đầu tàu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam của Vinatex./.

Nguồn vov.vn


Sự kiện