Thứ Sáu | 13/07/2012 10:48

Vinatex tìm nhà đầu tư chiến lược cho công ty con

Công ty Tài chính cổ phần Dệt may (TFC) đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2012.
Ông Uông Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Tài chính cổ phần Dệt may (TFC) cho biết, TFC đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng theo nghị quyết Đại hội cổ đông lần thứ nhất.

Ông có thể cho biết, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đã có kết quả đến đâu?

Chúng tôi đang trong vòng đàm phán, nên trước mắt chưa thể công bố thông tin cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi gặp một số khó khăn, bởi đến nay, chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng. Đầu tư chiến lược là định hướng lâu dài, hành lang pháp lý phải rõ ràng, công ty tài chính được phép hoạt động đến đâu thì nhà đầu tư mới đánh giá cơ hội để quyết định đầu tư.

Hiện nay, các công ty tài chính không được huy động vốn từ các cá nhân, việc cho vay đối với các doanh nghiệp trong Vinatex cũng được quy định chặt chẽ hơn như có các quy định hạn chế cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, có tài sản đảm bảo. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của TFC, thưa ông?

TFC mới được cổ phần hóa từ cuối năm 2010, để huy động vốn từ tổ chức, trong khi chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán đã là một khó khăn. Mặt khác, hiện nay hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều thiếu vốn đầu tư phát triển, trong khi lãi suất vay cao thì việc huy động vốn lại càng khó khăn hơn nữa.

Theo chiến lược kinh doanh về tài chính của Vinatex, TFC là công ty con do Vinatex nắm giữ 64,1% vốn, thực hiện nhiệm vụ là công cụ tài chính của Vinatex, huy động và sử dụng vốn trong nội bộ Tập đoàn nhằm thực hiện chiến lược đầu tư phát triển nâng cao năng lực sản xuất giai đoạn 2011 – 2015, với kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án là 23.858 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những hạn chế cấp tín dụng trong nội bộ Tập đoàn và giới hạn góp vốn, mua cổ phần đã hạn chế hoạt động của TFC. Cụ thể, cho vay không quá 5% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp thuộc nhóm Tập đoàn mà Tập đoàn là cổ đông lớn; góp vốn mua cổ phần không quá 11% vốn đối với doanh nghiệp nhận vốn góp. Như vậy TFC rất khó góp vốn chi phối doanh nghiệp đầu tư mới, nếu cần phải góp vốn chi phối.

Một ưu thế mà TFC xác định là có thể đầu tư vào dự án rủi ro, nhưng có mức sinh lời cao. Nguy cơ rủi ro này cũng chính là lý do vì sao cơ quan quản lý siết chặt hoạt động của các tổ chức tín dụng. TFC kiểm soát rủi ro này ra sao, thưa ông?

Do TFC là công ty tài chính chuyên ngành dệt may, hơn nữa lại là công ty con của Vinatex, được Tập đoàn hỗ trợ về chiến lược và các công cụ quản trị khác, nên hiệu quả đầu tư, suất đầu tư, rủi ro của ngành đều nắm rõ. Rủi ro trong ngành chủ yếu là rủi ro thị trường, rủi ro năng lực Ban điều hành và rủi ro chính sách. Sản phẩm ngành dệt may chủ yếu xuất khẩu và là sản phẩm thiết yếu, nên khi thị trường biến động, thì sự ảnh hưởng không lớn, chỉ có tính tạm thời, mức giảm (nếu có) về sản lượng và doanh thu cũng chỉ khoảng 5% đến 10%.

Định hướng lâu dài, TFC có dự định trở thành ngân hàng, thưa ông?

Tại thời điểm hiện nay mà tính tới việc này thì có lẽ là quá xa. Nhưng tôi cho rằng, cùng với thị trường chứng khoán, mô hình ngân hàng đầu tư là rất cần thiết, vì phát triển kinh tế phải dựa vào nguồn vốn trung và dài hạn. Có điều, phải chờ thị trường tài chính ổn định hơn, kinh tế vĩ mô tốt hơn.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện