Vinatex thoái vốn: Tính toán thiệt hơn
Trong năm 2018, Bộ Công Thương có kế hoạch thoái hết vốn tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Thoái vốn nhà nước khỏi tập đoàn này là điều cần thiết và càng nhanh càng tốt để Tập đoàn nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường dệt may toàn cầu đang cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Tính thời điểm
Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31,16 tỉ USD vào năm 2017, tăng 10,79% so với năm 2016 (so với tốc độ tăng 5,42% năm 2016) và vượt kế hoạch 30 tỉ USD. Theo Vinatex, đây là thông tin tốt trong bối cảnh nhu cầu hàng dệt may thế giới năm 2017 không đổi (giảm 0,85% so với năm 2016).
Năm 2017, Việt Nam có 6 thị trường xuất khẩu kim ngạch hơn 1 tỉ USD, bao gồm Mỹ, EU, ASEAN, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ban lãnh đạo Vinatex ước tính Nga và Úc sẽ là 2 quốc gia tiếp theo đạt 1 tỉ USD giá trị nhập khẩu hàng dệt may hằng năm của Việt Nam trong tương lai.
Theo chỉ số McKinsey Global Fashion Index, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng ngành thời trang thế giới đã cải thiện vào năm 2017, đạt 2,5-3,5% so với mức 1,5% của năm 2016. Bắc Mỹ và châu Âu (cả thị trường đã phát triển và mới nổi) chiếm khoảng 50% tổng doanh số thế giới, tăng 1-2%, 2-3% và 4-5%/năm trong năm 2017.
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 26 tỉ USD, tăng 9,3% so với năm 2016 và Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Theo Apparel Resources, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ gần như không đổi trong năm 2017 (giảm 0,68% so với năm 2016). Xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc sang Mỹ cũng giảm 3,14% so với năm 2016, SSI Retail Research đánh giá điều này có nghĩa là Việt Nam đang giành được thị phần nhờ giá cả cạnh tranh.
Về đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành, các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam chỉ chiếm 25% sản lượng xuất khẩu nhưng chiếm 64% giá trị xuất khẩu. Các công ty trong nước vẫn chủ yếu tham gia vào sản xuất hàng giá trị thấp bao gồm:
• Hàng CMT (Cut - Make - Trim) là phương thức đơn giản nhất và đem lại giá trị gia tăng thấp nhất. CMT chiếm 65% tỉ trọng xuất khẩu.
• OEM/FOB (Original Equipment Manufacturing) là hình thức xuất khẩu cao hơn CMT, các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình sản xuất từ mua nguyên liệu đến cho ra thành phẩm. FOB chiếm 30% tỉ trọng, tỉ suất lợi nhuận ròng 3-5%.
Chỉ có 5% doanh nghiệp sản xuất hàng ODM (Original Design Manufacturing). Đây là phương thức sản xuất xuất khẩu bao gồm khâu thiết kế và cả quá trình sản xuất từ thu mua vải và nguyên phụ liệu, cắt, may, hoàn tất, đóng gói và vận chuyển. Sản xuất theo hình thức ODM đem lại tỉ suất lợi nhuận ròng cao hơn 5-7%.
Vì thế, theo nhiều đánh giá, việc bán vốn nhà nước tại Vinatex sẽ gặp không ít khó khăn trong giai đoạn này, bởi sức hấp dẫn của ngành dệt may Việt Nam hiện đã kém hơn trước nhiều. Trước đây còn có những nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư để ý, định đầu tư lớn vào ngành may, nhưng sau khi Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội thị trường kém đi, thì sự quan tâm đối với ngành này cũng giảm.
Vị thế của Vinatex
Trong năm 2018, Bộ Công Thương cũng có kế hoạch thoái hết vốn tại Vinatex (53,5%). Vinatex có mong muốn tìm nhà đầu tư cùng ngành nghề, có vốn lớn, để giúp Tập đoàn phát triển trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường dệt may toàn cầu ngày một tăng lên. Hiện tại, cổ phiếu VGT của Vinatex đang giao dịch trên sàn UPCoM với giá 16.600 đồng/cổ phiếu.
Theo giới phân tích, ngoài đặc điểm về ngành nghề, một yếu tố khiến cổ phiếu của Vinatex hấp dẫn là vì tập đoàn này sở hữu rất nhiều quyền sử dụng đất có giá trị cao bắt nguồn từ các nhà máy, nhà xưởng và văn phòng làm việc cũ, đặc biệt là một số miếng đất vàng có diện tích lớn tại Hà Nội.
Vinatex là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng. Vinatex đang hoạt động dưới mô hình mẹ con với 15 công ty con và 19 công ty liên kết trong lĩnh vực dệt may.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Vinatex có đầy đủ các thành phần cần thiết để tạo thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh bao gồm kéo sợi, dệt - nhuộm vải, may và khâu nghiên cứu đào tạo, làm nền tảng để Tập đoàn tiến từ gia công thuần túy CMT lên sản xuất xuất khẩu ODM. BVSC nhận định đây cũng là điều kiện cơ bản để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định tự do thương mại.
Tổng doanh thu năm 2017 của Vinatex và các công ty liên kết đạt 45.550 tỉ đồng (tăng 10,7% so với năm 2016 và bằng 100,2% kế hoạch) và tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.434 tỉ đồng (không đổi so với năm 2016). Doanh thu nội địa đạt 10.385 tỉ đồng (tăng 10,6%) và chiếm 22,8% tổng doanh thu. Hàng dệt may đóng góp phần lớn doanh thu nội địa (chiếm 38,5%), đạt khoảng 4.000 tỉ đồng doanh thu (tăng 23,9%). Doanh thu thuần hợp nhất của Vinatex năm 2017 đạt 17.497 tỉ đồng, tăng 13,2%. Lợi nhuận ròng hợp nhất 2017 đạt 634 tỉ đồng, tăng 9,4%.
So sánh với các công ty khác, biên lợi nhuận ròng của Vinatex vẫn thấp hơn các công ty nhỏ hơn trong cùng ngành. Các công ty dệt may nhỏ hơn đạt kết quả tài chính tốt về mỗi mặt khác nhau. Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) được hưởng lợi do tăng năng suất tại nhà máy. Trong khi Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) thu được lợi nhuận từ nhu cầu hàng dệt may phục hồi và giá bán tăng.
BVSC từng nhận định trong một báo cáo năm 2017 rằng hiệu quả hoạt động của Vinatex còn kém hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành ở hầu hết mọi chỉ số, đặc biệt là ở chỉ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu do: (i) bộ máy quản lý cồng kềnh, đặc biệt ở công ty mẹ khiến cho biên hoạt động và biên ròng thấp; (ii) khả năng tạo ra doanh thu trên tổng tài sản chưa cao do Tập đoàn đầu tư dàn trải ở nhiều dự án tại mọi công đoạn trên chuỗi giá trị dệt may nên hiệu quả ở một số năm đầu còn thấp.
McKinsey Global Fashion Index dự báo rằng doanh thu ngành thời trang thế giới sẽ tăng 3,5-4,5% trong năm 2018, so với mức 2,5-3,5% của năm 2017. Xu hướng hồi phục tiếp tục diễn ra trong năm 2018 sau một năm khó khăn nhưng dần cải thiện trong năm 2017. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên khi một nửa doanh thu hàng may mặc và giày dép nằm ngoài thị trường châu Âu (thị trường đã phát triển và mới nổi) và Bắc Mỹ.
Năm 2018, Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu hàng dệt may là 34 tỉ USD, tăng 10% so với thực hiện năm 2017. Các nước mua hàng lớn đều coi Việt Nam là trung tâm cung cấp và đặt Việt Nam trong thứ tự ưu tiên cao. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định rằng các hiệp định thương mại đa phương như CPTPP Việt Nam chuẩn bị ký kết và hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) mà Việt Nam đang làm thủ tục để phê chuẩn pháp lý giữa 2 bên, là các cơ hội có tính đột phá cho ngành dệt may.
SSI Retail Research kỳ vọng ngành sẽ tăng trưởng 10%/năm trong giai đoạn 2018-2020. Việt Nam vẫn có sức cạnh tranh trên các thị trường chính như Mỹ và EU do chi phí sản xuất thấp và cơ sở hạ tầng hiện đại. Tăng trưởng xuất khẩu có thể tăng khi hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU có hiệu lực.
Vinatex và các công ty liên kết đặt mục tiêu đạt 48.500 tỉ đồng doanh thu (tăng 6,5% so với năm 2017) và 1.450 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (không đổi so với năm trước). Cho biết trong buổi lễ ra quân của ngành dệt may sau Tết, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết: “Chúng ta đã lựa chọn những mặt hàng đòi hỏi tay nghề cao, kỹ thuật cao. Các đơn hàng có quy mô vừa và nhỏ, khó triển khai ở các nước có quy mô sản xuất lớn, hoặc khó triển khai ở những nước có tay nghề sản xuất còn thấp so với Việt Nam”.