Thứ Hai | 15/09/2014 15:52

Vinatex đang sử dụng gần 545 nghìn m2 đất

Vinatex trực tiếp sử dụng 92.667 m2, trong đó có hàng loạt các khu đất nằm tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và Quận 1, TPHCM.
Hôm qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) công bố được phê duyệt 2 nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần Công ty mẹ Vinatex là Tập đoàn Vingroup - CTCP và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID).

Theo đó, Vingroup đăng ký mua 10% cổ phần Vinatex, tương ứng 50 triệu cổ phiếu và VID đăng ký mua 14% cổ phần, tương ứng 70 triệu cổ phiếu. Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không được công bố nhưng nếu tính theo giá khởi điểm IPO là 11.000 đồng/cổ phiếu thì Vingroup sẽ phải chi ra 550 tỷ đồng và VID chi ra 770 tỷ đồng.

Khá bất ngờ khi hai nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt của Vinatex là hai doanh nghiệp nội và đều là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Bởi vì trước đó, Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ, trong số 3 đối tác chiến lược, thì chỉ được chọn tối đa một công ty tài chính, còn lại phải là nhà sản xuất, phân phối hàng dệt may.

Ông Trường cũng cho biết, theo đánh giá của Vinatex, hiện tại, đối tác là doanh nghiệp sản xuất, nếu muốn là cổ đông chiến lược thì không thể là doanh nghiệp trong nước, vì Vinatex đang là tập đoàn sản xuất quy mô lớn. Những doanh nghiệp tốt hơn, mạnh hơn Vinatex thì phải có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về đối tác chiến lược sẽ thuộc về Bộ Công thương.

Vingroup có mới thành lập công ty về thời trang là VinFashion vào cuối tháng 6/2014 nhưng vốn điều lệ khá khiêm tốn với chỉ 20 tỷ đồng (Vốn điều lệ của Vinatex là 5.000 tỷ đồng). Vingroup góp chiếm 70% vốn điều lệ VinFashion.

VID là chủ đầu tư của hàng loạt khu công nghiệp, trong đó, đáng chú ý là khu công nghiệp Đại Quang Minh rộng hơn 344 ha tại Hà Nội. Chủ tịch VID Group là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là vợ ông Chủ tịch Marime Bank Trần Anh Tuấn. Ở Maritime Bank, bà Hường là Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Có lẽ, 2 tập đoàn có thế mạnh về bất động sản này quan tâm tới diện tích đất mà Vinatex đang sử dụng lên tới 544.876 m2. Trong đó, Vinatex trực tiếp sử dụng 92.667 m2, còn lại do các đơn vị thành viên trực tiếp sử dụng như Xí nghiệp Sản xuất Kinh doanh Veston Hải Phòng 42.508 m2, Trung tâm Xử lý nước thải Phố Nối 11.648 m2, Xí nghiệp may Vinatex Quảng Ngãi 49.010m2 Doximex 195.322 m2, Dopimex 72.307 m2, Dệt 8/3 106.915 m2, Vinatexmart 23.509 m2.

Trong đó, có hàng loạt khu đất nằm tại các khu vực trung tâm của Hà Nội như Tòa nhà trụ sở chính 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm rộng 995 m2; Văn phòng Tập đoàn tại 32 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, rộng 678 m2; Văn phòng số 2 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm rộng 236 m2; Văn phòng 41A Lý Thái Tổ rộng 2.064 m2 hay 2 văn phòng tại TPHCM là 10 Nguyễn Huệ, Quận 1 rộng 488 m2 và số 39-41 Bến Chương Dương, Quận 1 rộng 963 m2.

Theo phương án cổ phần hóa của Vinatex, sau khi cổ phần hóa, Tập đoàn tiếp tục sử dụng nguồn tiền từ chuyển mục đích sử dụng đất.

Đối với khu đất 67 Ngô Thị Nhậm, Hà Nội có diện tích 14.743 m2 của Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân đang tiến hành thuê đất trả tiền hàng năm. Trước cổ phần hóa, Công ty đang phối hợp với đối tác xây dựng dự án theo quy hoạch của Thành phố. Sau cổ phần hóa, Tập đoàn sẽ bàn giao lại cho thành phố, địa phương để bố trí quy hoạch và thu nộp ngân sách theo quy định.

Nếu được đền bù di dời thì phần chênh lệch giữa số tiền nhận được từ đền bù di dời với giá trị còn lại theo sổ sách của tài sản, công ty nộp vào ngân sách Nhà nước.

Nguồn: Vinatexa
a
a
a
a
Nguồn: Vinatex
_

Nguồn Theo DVO


Sự kiện