Vinatex: Cho phép tăng vốn Nhà nước từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất
Sáng nay, ngày 8/1/2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức ĐHCĐ lần đầu sau cổ phần hóa hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động tập đoàn Dệt may Việt Nam hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, do đặc thù của Vinatex, Tập đoàn cho phép tăng vốn Nhà nước tại Vinatex mà không cần ĐHCĐ thông qua trong trường hợp vốn được tăng từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất khi quyết toán dự án đầu tư hoàn thành và công trình xây dựng.
Như chúng tôi đã đưa tin, một trong những lợi thế của Vinatex được giới đầu tư đánh giá cao là quyền sử dụng đất đối với các mảnh đất vàng. Mặc dù giá trị quyền sử dụng đất nói trên không được đưa vào công tác định giá, việc mở đường chuyển mục đích sử dụng đất có thể thay đổi cục diện của Tập đoàn.
Với nhà đầu tư chiến lược là 2 đại gia Bất động sản Vingroup và VID, việc chuyển mục đích sử dụng đất mở ra cơ hội kinh doanh rộng mở cho 2 doanh nghiệp này.
Tính tới thời điểm trước cổ phần hóa, Vinatex cùng các công ty thành viên được giao quản lý và sử dụng trên 490 nghìn m2 đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có nhiều mảnh đất vàng ở các vị trí đắc địa.
Tuy nhiên, trong 3 năm tới Tập đoàn chưa tăng vốn từ chuyển quyền sử dụng đất – ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex cho biết. Được biết, số tiền chuyển mục đích sử dụng đất ngân sách chấp thuận cho Vinatex được sử dụng là 1.455 tỷ đồng, số tiền này sẽ tăng vốn chủ sở hữu. Ban điều hành đang kiến nghị Chính phủ cách thức ghi nhận nguồn vốn chuyển mục đích sử dụng đất theo phương án không tăng vốn khi thực hiện giải ngân cho dự án mà tăng vốn chủ sở hữu khi dự án đã hoàn thành. Đây cũng là nội dung trong bản điều lệ được trình ĐHCĐ lần này.
Tình hình kinh doanh 2014
Công ty mẹ Vinatex lãi ròng 576,5 tỷ đồng, lãi trước thuế 247 tỷ đồng năm 2014. Doanh thu tổng thể các đơn vị liên kết không vốn đạt gần 51.100 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,29 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Về cơ bản, đại diện Vinatex cho biết hiện tập đoàn đã có đủ đơn hàng cho 6 tháng đầu năm 2015.
Xuất khẩu của Vinatex chiếm 15% quy mô toàn ngành dệt may Việt Nam và 0,4% thị phần xuất khẩu Dệt may thế giới.
Đánh giá Vinatex, đại diện Tập đoàn cho rằng, Vinatex có thương hiệu mạnh và thiết lập được quan hệ lâu dài với các đối tác toàn cầu. Ngoài ra, Vinatex sở hữu chuỗi sản xuất tiên tiến nằm dọc theo chiều dài địa lý Việt Nam với nhiều thương hiệu mạnh. Tuy nhiên liên kết tạo chuỗi của Tập đoàn được đánh giá là chưa mạnh, ngành dệt – nhuộm hoàn tất chưa phát triển đúng với tiềm năng , chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.
Kế hoạch kinh doanh năm 2015 – 2017 – dấu hỏi cho TPP
Khác với dự định trước đó, Vinatex cho biết Tập đoàn chưa kinh doanh mặt hàng bông do diễn biến phức tạp của giá dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá bông trên toàn thế giới. Đến quý 4 năm nay, Tập đoàn mới triển khai hoạt động kinh doanh bông và ODM.
Trong năm 2015, Vinatex dự kiến công ty mẹ đạt doanh thu 1.260 tỷ đồng và tăng dần lên 2.680 tỷ đồng, 3.653 tỷ đồng vào 2 năm tiếp theo. LNST lần lượt đạt 288 tỷ đồng và tăng lên 342 tỷ đồng, 406 tỷ đồng cho 3 năm 2015 – 2017.
Mức cổ tức kế hoạch năm 2015 được đặt ra 5% và tăng 1 điểm % cho 2 năm tiếp theo. Tuy nhiên, Tập đoàn phấn đầu cổ tức 6% cho năm 2015, tăng lên 8% và 10% cho năm 2016, 2017.
Về tình hình kinh doanh hợp nhất, năm 2015 Vinatex đặt kế hoạch 19.575 tỷ đồng doanh thu và 572 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 31% và 32% so với kết quả thực hiện năm 2014.
Tuy nhiên, nếu kịch bản năm 2015 thuận lợi như mong muốn, TPP được chính thức ký kết, kế hoạch sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng tốc đầu tư, ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết.
Nguồn Infonet