Vinataba đang trình duyệt phương án thoái vốn tại Sapporo
Theo tin từ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), về thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012-2015, trong năm 2014, Tổng công ty đã triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu 3 đơn vị sản xuất kinh doanh thuốc điếu (Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Thuốc lá Đồng Tháp, Công ty Thuốc lá An Giang) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con (trong đó Công ty Thuốc lá Sài Gòn là công ty mẹ). Kết quả bước đầu khả quan.
Tổng Công ty đã chuyển Chi nhánh Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá tại TPHCM về Công ty Cổ phần Hòa Việt quản lý. Đồng thời, đã hoàn tất thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bảo Minh và đang trình phê duyệt phương án thoái vốn tại Liên doanh Sapporo Việt Nam. Liên doanh Sapporo có vốn điều lệ 39 triệu USD, Vinataba chiếm 29% vốn.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinataba, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số nội dung trong Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012-2015.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty Thuốc lá Thăng Long được hưởng cơ chế hỗ trợ nguồn vốn phục vụ di dời theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị khi Tổng công ty thực hiện thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bất Động sản Thăng Long theo Quyết định số 166/QĐ-TTg.
Tiêu thụ nội địa sụt giảm vì thuốc lá lậu
Năm 2014, Vinataba nhận định môi trường pháp lý về sản xuất và kinh doanh thuốc lá trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, tạo ra những áp lực nhất định cho ngành. Các quy định chi tiết của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá. Việc in cảnh báo sức khỏe (CBSK) bằng hình ảnh 50% trên sản phẩm hợp pháp không những làm tăng chí phí sản xuất mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, gián tiếp kích thích nhu cầu sử dụng sản phẩm thuốc lá lậu - không có hình ảnh CBSK.
Thuốc lậu gia tăng nhanh chóng trên khắp cả nước ở hầu hết phân khúc sản phẩm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng tiêu thụ toàn ngành và tăng khoảng 30-40% so với 2013. Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật khi chưa được điều chỉnh kịp thời hình thức áp dụng phù hợp đối với một số đối tượng đặc thù đã ảnh hưởng đến hoạt động chế biến nguyên liệu.
Áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực thuốc lá, bánh kẹo càng gay gắt khi mức độ tham gia thị trường của sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm của doanh nghiệp FDI ngày càng cao.
Vì vậy, kết thúc năm 2014, các đơn vị thuốc lá điếu đều sụt giảm thị trường tiêu thụ nội địa, trong đó các đơn vị miền Tây giảm mạnh do thị trường tiêu thụ chính bị ảnh hưởng rất lớn bởi thuốc lá nhập lậu.
Sản lượng tiêu thụ của Tổng công ty là 3,1 tỷ bao. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 1,2 tỷ bao; sản lượng nội tiêu đạt 1,9 tỷ bao. Thị phần chiếm khoảng 54%.
Lĩnh vực công nghệ thực phẩm, tổng sản lượng tiêu thụ duy trì được sự tăng trưởng, đạt 36,5 nghìn tấn bánh kẹo các loại (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và vượt 4% so với kế hoạch). Xuất khẩu đạt 4.004 tấn, tăng 33%. Cả 3 đơn vị thực phẩm - bánh kẹo của Tổ hợp đều đảm bảo sự tăng trưởng sản lượng tiêu thụ.
Về công tác xuất khẩu, tổng kim ngạch đạt trên 175 triệu USD (xuất siêu 1,8 triệu USD), tăng 8% so cùng kỳ năm trước và vượt 17% so với kế hoạch.
Năm 2015, Vinataba tập trung củng cố và phát triển ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực thuốc lá, phát triển hình ảnh thương hiệu và thị trường thực phẩm - bánh kẹo, mở rộng hiệu quả thị trường tiêu thụ các sản phẩm đồ uống góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu lĩnh vực công nghiệp thực phẩm của Tổng công ty.
Nguồn Vinataba