Vinasun vs Grab: Chọn 4.0 hay 0.4?
→Tham vọng “siêu ứng dụng”của Grab
→Grab phản hồi sau khi bị phạt 9,5 triệu USD vì vụ sáp nhập Uber
Phiên tòa xét xử Vinasun và Grab Việt Nam không đơn thuần chỉ là kiện tụng giữa hai doanh nghiệp, mà còn đại diện cho việc luật pháp Việt Nam đã sẵn sàng cho cách mạng 4.0 hay không.
Phiên tòa hy hữu
Chưa đến 8 giờ sáng ngày 17.10, màu áo trắng đồng phục của các tài xế Vinasun (VNS) đã phủ kín sân Tòa án nhân dân TP.HCM. Họ đến từ sớm để tham dự vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại lần thứ ba của VNS và cũng là vụ kiện hy hữu nhất từ trước đến nay.
Theo luật sư Lưu Tiến Dũng, bảo vệ quyền lợi cho Grab Việt Nam, vụ kiện giữa VNS và Grab Việt Nam hiện đã mở rộng theo hướng xem xét bản chất kinh doanh của các mô hình như Grab, chứ không đơn thuần là vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa hai bên. Đây vốn là nhiệm vụ của chức năng quản lý nhà nước và điều hành kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã khuyến khích các mô hình như Grab bằng cách vận động các đơn vị taxi truyền thống nắm bắt, tận dụng công nghệ và đổi mới để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý kéo dài thời hạn thí điểm điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Đại diện Grab cho rằng, dường như tòa án TP.HCM đang xét xử lại những gì mà Chính Phủ đã thông qua.
Tại phiên xử, VNS khẳng định về việc vi phạm đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải dẫn đến sụt giảm doanh thu. Trên thực tế, việc quyết định có vi phạm Đề án 24 hay không thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chính phủ có liên quan, do đó cũng không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân.
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), VNS kiện Grab Việt Nam là kinh doanh trái pháp luật nhưng thực tế là đơn vị này đang được cơ quan cấp phép. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã 2 lần xem xét và kết luận hoạt động theo Đề án thí điểm không phải là kinh doanh vận tải. Do đó, VNS muốn kiện đầu tiên phải hủy giấy phép đó trước.
Diễn biến mới nhất của giấy phép này là Bộ Giao thông Vận tải đã có kết luận về thí điểm và Chính phủ đã đồng ý gia hạn đề án thí điểm với xe hợp đồng điện tử cho đến khi Nghị định 86 sửa đổi có hiệu lực.
Theo ông Dũng, trong khi vẫn chưa có thông tin gì từ các cơ quan chủ quản về số phận của Grab thì liệu việc đưa ra quyết định của Tòa án TP.HCM có được xem là vượt thẩm quyền hay không. Vì theo khoản 7, Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Tòa không có quyền kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Quyết định 24 hoặc Nghị định 86.
“Đây thực sự là một vụ kiện hi hữu khi Nguyên đơn khởi kiện mà không đưa ra các bằng chứng chứng minh và chỉ trông cậy vào Tòa án thu thập chứng cứ.”, ông Dũng nói.
Lo sợ những hệ lụy
Một luật sư không muốn nêu tên cho rằng việc phân định thắng thua trong vụ kiện VNS và Grab Việt Nam không quan trọng bằng việc vượt thẩm quyền của một tòa án ở cấp địa phương. Điều này có thể tạo tiền lệ không tốt cho các doanh nghiệp khác. Cụ thể trong tương lai, dù được Chính Phủ và các ban ngành cấp phép, nhiều doanh nghiệp vẫn có thể bị triệu hồi ở bất kỳ tòa án địa phương nào để giải trình về những điều đã được cho phép.
Luật sự này cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ, đang quan tâm đến quan điểm của Chính phủ đối với họ. Lấy ví dụ về Go-Viet, chi nhánh của Go-Jek ở Việt Nam. Đơn vị này chuẩn bị tung ra dịch vụ gọi taxi Go-Car, liệu có bị Vinasun khởi kiện như Grab Việt Nam trong tương lai hay không. Hay mô hình chia sẻ nhà nghỉ Airbnb, điều gì sẽ xảy ra khi một doanh nghiệp khách sạn đứng lên khởi kiện họ làm sụt giảm doanh thu?
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, giới đầu tư trong nước cũng quan tâm sát sao kết quả của vụ kiện. Điển hình như FastGo, startup của Việt Nam vừa được VinaCapital rót vốn.
“Kết quả không đơn thuần là vụ kiện giữa hai doanh nghiệp mà còn thể hiện việc luật pháp Việt Nam đã sẵn sàng hỗ trợ cho định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 hay chưa ?”, vị này nói.